MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cô gái Pháp về Việt Nam tìm mẹ: Biết ơn quá khứ và hướng đến tương lai

Anh Tú - Thủy Tiên LDO | 27/07/2022 13:00

TPHCM - Như Báo Lao Động đã thông tin, những ngày qua, hành trình tìm được người thân sau 25 năm của cô gái Emma Kiener (Trương Thị Thanh Hạnh, sinh năm 1996), người Pháp gốc Việt đã khép lại với bao xúc động, vỡ òa. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, đằng sau sự đoàn tựu của 2 chị em Emma Kiener  và Trần Thị Thanh Loan, là nỗi đau đến lúc nhắm mắt xuôi tay của một người mẹ từng phải bỏ lại đứa con mình mang nặng đẻ đau cách đây 25 năm.

Sau 25 năm, Emma cùng ba mẹ nuôi người Pháp đến Việt Nam tìm lại gia đình ruột thịt của mình. May mắn đã mỉm cười khi chỉ trong vài ngày, cô đã chính thức xác nhận tìm được chị gái Trần Thị Thanh Loan và gia đình hiện sống tại TPHCM.

Tại buổi gặp mặt giữa hai chị em, Emma được nghe nhiều hơn về người mà bấy lâu nay cô luôn tìm kiếm - đó chính là mẹ ruột của mình.

This browser does not support the video element.

Clip Emma kể về hành trình tìm mẹ ruột và trả lời câu hỏi về nguồn gốc của bản thân.

“Đến lúc mất, mẹ vẫn không nhắm được mắt”

Emma mang khao khát mãnh liệt trở về Việt Nam để tìm những lời giải cho những câu hỏi về quê hương, về người sinh thành nên mình. Nhưng sự thực đã khiến cô đau đớn: “Tôi về đây là để tìm mẹ của mình, tâm sự với bà ấy. Tôi đã mong rằng bà ấy còn sống, khỏe mạnh. Tôi ước rằng có thể nhìn thấy bà ấy, nói với bà ấy rằng tôi sống tốt và vui vẻ, nói rằng tôi đã tìm kiếm và nghĩ về bà ấy nhiều năm qua. Nhưng rồi tôi như chết lặng khi biết rằng mẹ tôi không còn sống nữa.

Tim tôi bắt đầu đập nhanh, tôi cảm thấy choáng ngợp với những gì chị gái nói với tôi về mẹ, rằng bà đã rất đau khổ, rất yêu tôi. Bà không muốn bỏ lại tôi, nhưng hoàn cảnh lúc đó bà phải làm vậy vì lý do tài chính. Đó không phải điều vui vẻ gì khi đứa trẻ biết mẹ mình đã sống cuộc đời như vậy”.

Emma (bên phải) và chị Loan ngày đoàn tụ. Ảnh: NVCC

Chị Loan đã kể cho Emma hoàn cảnh khi đó. Vào năm 1996, ba mất, mẹ chị là bà Trương Thị Thanh để chị lại nhà nội rồi chuyển sang nơi khác sống. Bà đi thêm bước nữa nhưng rồi lại một mình sinh ra Hạnh. Cuộc sống khó khăn lúc đó khiến mẹ không đủ điều kiện để nuôi Hạnh nên buộc lòng phải gửi lại Hạnh tại bệnh viện Từ Dũ.

Người mẹ năm đó đã sống cảnh lang thang, bệnh tật, bán vé số ngoài đường ở ngã năm Thủ Đức bữa đói bữa no, bà không tìm được chút thông tin nào của nhà ngoại nên sau cùng chỉ còn mỗi chị Loan là người thân duy nhất.

Emma là một trong những đứa trẻ may mắn được bố mẹ nuôi người Pháp nhận nuôi, đưa về Pháp sinh sống. Ảnh: NVCC

"Cuối năm 2015, bệnh tình của mẹ trở nặng, mẹ đã gọi chị đến và nói, chị thực sự có một đứa em cùng mẹ khác cha. Và điều nuối tiếc nhất cuộc đời của bà, chính là bỏ lại em ở bệnh viện Từ Dũ và mãi mãi không bao giờ có cơ hội gặp lại. Và đến bây giờ chị cũng không biết được, ba ruột của em là ai. Giây phút mẹ từ trần, chị cầm tay mẹ nhưng… mẹ vẫn không nhắm được mắt”, chị Loan xúc động kể lại với Emma.

Biết ơn quá khứ và hướng đến tương lai

Sau những gì chị Thanh Loan nói với Emma, cô như trút bỏ tất cả những câu hỏi theo cô bấy lâu nay. Emma như đã hoàn toàn hiểu được lý do mẹ bỏ lại mình cách đây 25 năm. Cô nói rằng: “Đó là hành động của sự yêu thương và mong muốn tôi có một cuộc sống tốt hơn, thứ mẹ có thể cho tôi. Tôi cũng không trách mẹ bởi trong những phút cuối đời mẹ vẫn khao khát mong gặp lại tôi”.

 Emma vui mừng khi đã tìm lại được gia đình và mong muốn câu chuyện có hậu của mình sẽ được lan tỏa tạo động lực cho nhiều người hiện đang giống như Emma. 

Emma luôn cảm thấy biết ơn bởi mẹ cô đã đưa cô đến với cuộc đời này một cách đặc biệt. Và giờ đây điều quan trọng nhất với Emma là cô ấy biết được nơi mình sinh ra và hạnh phúc vì còn chị gái là người thân.

Chị Thanh Loan lớn hơn Emma 10 tuổi, dù cả 2 đã sống cách xa nhau đã quá lâu và bất đồng về ngôn ngữ nên cả hai không nói được gì nhiều nhưng bằng một cách nào đó Emma và chị luôn đặt cả trái tim và sự đồng cảm để thắt chặt mối quan hệ tình thân.

Bà Thanh (trái cùng) chụp cùng chị Loan. Ảnh: NVCC

"Tôi không cảm thấy cô đơn trên hành trình của mình. Tôi được nhận nuôi bởi một gia đình tuyệt vời, họ yêu thương tôi và không giấu tôi bất cứ điều gì và giúp đỡ tôi tìm lại cội nguồn của mình… Và điều đặc biệt là mọi thứ đã xảy ra như là một phép màu vì cơ hội tìm lại được gia đình với tôi là rất thấp. Vậy nên tôi rất biết ơn, cảm thấy rất may mắn”, Emma xúc động chia sẻ với Lao Động.

Lần đầu về Việt Nam và đây có lẽ là chuyến đi không bao giờ quên trong đời của Emma. Cô vẫn sẽ ở lại đây tới hết tháng 8, để khám phá thêm nhiều tỉnh thành từ Nam ra Bắc. Và hành trình những ngày tới của cô sẽ ngập tràn niềm vui, tiếng cười, hạnh phúc đoàn viên.

Cô cũng không quên cảm ơn những người bạn Việt Nam tốt bụng, đã đồng hành và giúp đỡ cô theo một cách nào đó, để có được kỳ tích này. Sau cùng, Emma thể hiện quyết tâm rằng sẽ học Tiếng Việt, hiểu hơn về gia đình và văn hóa Việt Nam.

"Emma đã tìm lại được quá khứ của bản thân, tìm lại được sự thật phía sau việc mình được cho đi, đặc biệt hơn cả, là hiểu được câu trả lời cho sự tồn tại của Emma trên cõi đời này.

Trước đây, tất cả đều như nằm sau một bức màn bí ẩn đối với Emma nhưng giờ đây, Emma đã tìm lại được mảnh vỡ cuối cùng để khẳng định mình là ai giữa cuộc đời mênh mông này...", Emma viết trên trang cá nhân.

Emma Kiener tên tiếng việt Trương Thị Thanh Hạnh (26 tuổi) là một cô gái người Pháp gốc Việt. Vào ngày 5.10.1996, Emma được sinh ra tại Bệnh viện phụ sản TPHCM (nay là Bệnh viện Từ Dũ).

Nhưng sau khi chào đời, vì một lý do nào đó, mẹ đã bỏ lại Emma một mình ở bệnh viện với một tờ giấy khai sinh và đôi ba thông tin mỏng manh nhưng vô cùng quý giá như mẹ ruột tên Trương Thị Thanh, địa chỉ Thị trấn Thủ Đức.... Nửa tháng sau, chị được chuyển qua Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình và được một cặp vợ chồng người Pháp là Anna và Daniel nhận nuôi và đưa về Pháp sinh sống. Đó cũng là gia đình hiện tại của Emma.

Khoảng giữa tháng 7.2022, Emma đã viết câu chuyện của mình và đăng trên một số group mạng xã hội tại Việt Nam và bài viết lan truyền nhanh chóng với hàng nghìn phản hồi và hàng trăm lượt chia sẻ trong vòng một ngày.

Chỉ sau 4 tiếng đăng tải bài viết, Emma đã tìm lại được người thân của mình. Nhưng cô rất đau lòng khi biết mẹ ruột đã mất 2015.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn