MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phò mã và công chúa cung nghinh giao bái trước giờ lên kiệu về nhà chồng trong một lễ tái hiện đám cưới công chúa triều Nguyễn. Ảnh: Báo ảnh Việt Nam

Có khi Công chúa triều Nguyễn phải bốc thăm may rủi để chọn chồng

Tường Minh LDO | 06/07/2021 13:00

Là “cành vàng lá ngọc”, nhưng có những giai đoạn lịch sử, công chúa triều Nguyễn "đại hạ giá" đến mức phải bốc thăm may rủi để chọn chồng cho mình.

Theo Từ điển triều Nguyễn, "Công chúa hạ giá" nghĩa là công chúa đi lấy chồng. "Hạ" ở đây là hạ mình khiêm tốn, "giá" là lấy chồng.

Là bởi công chúa thuộc hàng cao quý, là cành vàng lá ngọc, thế gian không có người môn đăng hộ đối để kết duyên nên phải khiêm tốn hạ mình để lấy người thường làm chồng. Dù "người thường" cũng là là con quan lớn trong triều chứ không phải hàng dân dã tầm thường.

Tuy vậy, có những giai đoạn, vì nhiều lý do khác nhau, các công chúa triều Nguyễn không chỉ "hạ giá" mà còn là "đại hạ giá" theo nghĩa đen nhưng có khi vẫn không lấy được chồng.

Theo lệ định, hễ công chúa đúng 16 tuổi là phải tiến hành việc kén phò mã, nhưng không phải bao giờ cái mốc 16 cũng được tuân thủ bởi những biến cố bất ngờ.

Như năm 1847, vua Thiệu Trị băng hà sau gần 7 năm trị vì. Vua Tự Đức lên ngôi. Và đại tang vua kéo dài trong 3 năm tuyệt đối phải tuân thủ. Vì vậy, đến khi mãn tang vào năm 1851 thì trong cung có đến 30 công chúa là con của các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, tức có đến hai thế hệ công chúa đến tuổi hoặc quá tuổi lấy chồng mà vua Tự Đức có nghĩa vụ phải lo chu toàn.

Lúc này xảy ra hiện tượng cầu lớn hơn cung. Dẫn đến bốn chữ "công chúa hạ giá" từ nghĩa nghiêm trang ban đầu vô tình bị biến thành "công chúa đại hạ giá" theo nghĩa đen thông tục.

Không kiếm đâu ra số con trai chưa vợ của các công thần từ nhị phẩm trở lên để kén làm phò mã, triều đình quyết định chấp nhận mở rộng ứng viên trong hàng quan lại văn võ từ tam phẩm.

Và một chuyện chưa từng có tiền lệ đã xảy ra: Cứ một công chúa, triều đình lựa lấy năm ba ứng viên có tuổi phù hợp theo can chi rồi viết tên, bỏ vào ống và bốc thăm. Bốc thăm trúng tên ai thì người đó được kén làm phò mã!

Thậm chí theo lời kể của Léon Sogny, Chánh mật thám Pháp tại Trung kỳ trong một bài viết đăng trong tập san B.A.V.H, thời gian đó, phần lớn các con của các đại thần có khả năng được chọn vào danh sách làm phò mã, đã phải... chạy khỏi kinh thành, vì sợ lấy công chúa.

Ngoài lý do tuổi tác đã quá lứa lỡ thì như đã nói, còn lý do nữa khiến con của các vị đại thần sợ lấy công chúa là vì một số bà công chúa cũng không phải là người sắc nước hương trời. Trong khi đó, làm phò mã, thật ra chỉ là một cái bóng mờ nhạt bên cạnh các bà chúa mà thôi...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn