MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Có nên cho trẻ mầm non tham gia các lớp năng khiếu?

Hương Giang LDO | 18/07/2021 16:24

Ngoài giờ học, nhiều phụ huynh cho con đi học năng khiếu như một hoạt động bổ trợ nhằm tăng cường thể chất và trí tuệ cho trẻ mầm non.

Theo nhà giáo người Italia – tiến sỹ Maria Montessori, 6 năm đầu đời là giai đoạn “vàng” trong tiến trình phát triển của trẻ. Gia đình có thể cùng bé đi tham gia các lớp học ngoại khóa hay lớp năng khiếu để con phát triển một cách toàn diện. Ngoài ra, trẻ cũng có thể học thêm ở nhà qua các sách, truyện, chương trình thiếu nhi... nhằm phát triển các kỹ năng khác nhau. Nhiều gia đình áp dụng phương pháp giáo dục từ khi con còn nhỏ và đạt được kết quả khả quan.

Đưa con đi học lớp năng khiếu

Nhiều bậc phụ huynh không có thời gian vì quá bận rộn với công việc đã chọn cách gửi con tới các lớp năng khiếu. Tâm lý sợ trẻ kém cỏi so với bạn bè cùng lớp, cùng tuổi khiến lựa chọn cho con đi học “tự nguyện” bị một số phụ huynh khác biến thành “bắt buộc”.

Trẻ nhỏ luôn bộc lộ niềm ham thích khám phá thế giới bên ngoài. Chính vì vậy, bé tỏ ra tò mò và muốn tìm hiểu về một vấn đề bất kỳ trong cuộc sống là chuyện dễ hiểu. Nhiều cha mẹ lại nhầm lẫn đây là năng khiếu của con và ngay lập tức đăng ký lớp để bé học và phát triển thêm “năng khiếu” ấy.

Với các trẻ mầm non, các lớp kỹ năng là hoạt động bổ trợ tăng cường thể chất cho trẻ, giúp trẻ tự tin và hứng thú hơn mỗi khi đến trường. Do vậy, cha mẹ không nên gây áp lực cho con bằng cách đặt nặng chuyện thành tích. Bắt ép con học, luyện tập với cường độ cao đôi khi phản tác dụng, khiến trẻ mệt mỏi, sợ hãi.

Lợi ích khi tham gia các lớp năng khiếu

Ngày càng nhiều lớp hay trường năng khiếu mở ra đã chứng minh được tầm quan trọng của việc học các kỹ năng phát triển bản thân đối với con trẻ. Với mỗi loại hình nghệ thuật hay một năng khiếu nhất định sẽ mang lại những lợi ích riêng. Tham gia các khóa học hỗ trợ bé phát triển một cách toàn diện nhất về mọi mặt.

Theo nghiên cứu về sự phát triển trí não của trẻ, các hoạt động nghệ thuật có tác động trực tiếp đến bán cầu não phải, giúp trẻ phát triển các kỹ năng quan trọng như giao tiếp, khả năng giải quyết vấn đề, tính sáng tạo, kỹ năng xã hội, …

Qua điều tra tại các trường học, nhiều nhà giáo trên thế giới nhận thấy học sinh theo học lớp năng khiếu tăng khả năng lãnh đạo, có thành tích học tập tốt và đặc biệt, có trí nhớ và khả năng tập trung cao.

Phụ huynh nên làm gì?

Các bậc cha mẹ không nên đăng ký học năng khiếu cho trẻ mầm non một cách tràn lan theo phong trào. Không chỉ ảnh hưởng kinh tế gia đình, đưa con đi học cho “bằng bạn bằng bè” dễ làm cho trẻ áp lực và mất hứng thú học tập.

Phụ huynh có thể cho bé tham gia các buổi học trải nghiệm để biết con hứng thú với loại hình hoạt động nào, từ đó tập trung vào môn học mà trẻ yêu thích. Trò chuyện với con nhỏ nhiều hơn giúp bố mẹ hiểu nguyện vọng và đam mê của trẻ nhằm đưa ra những quyết định đúng đắn khi chọn lớp cho con.

Với nhiều bé, môn học năng khiếu có thể trở thành nghề nghiệp chính sau này. Điển hình là các vận động viên thể thao hay các công việc khác đòi hỏi sự dẻo dai và thời gian tập luyện lâu dài. Cần có một quá trình học tập và rèn luyện công thêm cả năng khiếu cá nhân mới có thể thành công sau này. Cha mẹ cần động viên, tìm cách khắc phục khó khăn và tiếp thêm sức mạnh để con vượt qua thử thách.

Để con có thể phát huy tối đa khả năng của mình, gia đình và nhà trường nên đóng vai trò định hướng phát hiện và bồi dưỡng tài năng ở trẻ. Cha mẹ nên dành nhiều thời gian quan sát con hơn để phân biệt đâu là năng khiếu và đâu là sở thích cá nhân. Khi thấy con thực sự đam mê một lĩnh vực nhất định, ba mẹ đưa ra lời khuyên và tạo điều kiện để bé được tự do học tập.

Học năng khiếu không phải là bắt buộc mà hoàn toàn là tự nguyện. Ở các bé mầm non, tham gia các lớp ngoại khóa chủ yếu nâng cao sức khỏe và giúp trẻ phát triển các kỹ năng mềm cơ bản. Mỗi trẻ nên theo học từ 1 đến 2 năng khiếu, để vừa có thời gian được chơi đùa cùng các bạn mà vẫn phát triển kỹ năng cá nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn