MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Con trẻ chịu nhiều tổn thương khi bố mẹ li hôn. Ảnh minh họa: Xinhua

Con trẻ chịu nhiều tổn thương tâm lí khi bố mẹ li hôn

VIỆT PHONG (THEO BOLDSKY) LDO | 12/06/2023 19:51

Sau li hôn, không có ai tránh khỏi sự xót xa, đau buồn khi chứng kiến hạnh phúc gia đình tan vỡ. Đối với người lớn, họ biết cách kiểm soát và kiềm chế cảm xúc của bản thân. Tuy nhiên, con trẻ lại hoàn toàn trái ngược, trẻ em dễ bị tổn thương tâm lí nặng nề sau khi gia đình chia li.

Mất niềm tin vào gia đình

Đối với con trẻ, bố mẹ là điểm tựa vững chắc và tác động rất lớn đến nhận thức. Vì vậy, trẻ em sẽ dễ rơi vào trạng thái hụt hẫng, mất niềm tin khi chứng kiến gia đình tan vỡ. Bên cạnh đó, trẻ sẽ dễ hình thành tâm lí sợ hãi hôn nhân, lo lắng về việc kết hôn và những hậu quả xảy ra tương tự trong tương lai. Do không muốn lặp lại việc đó mà nhiều trường hợp khi trưởng thành đã chọn cuộc sống độc lập, không ràng buộc.

Cảm giác cô đơn, lạc lõng bủa vây

Sau li hôn, việc bố mẹ có quá nhiều mối bận tâm khiến con trẻ rơi vào cảm giác cô đơn, bất lực và lạc lõng. Đặc biệt là những trẻ trước đây đã từng nhận được rất nhiều tình yêu thương, quan tâm và che chở của cha mẹ. Khi đối mặt với sự mất mát to lớn này, trẻ sẽ cảm thấy vô cùng hụt hẫng.

Đặc biệt, đối với những đứa trẻ có tính cách nhút nhát, nhạy cảm thì việc cha mẹ li hôn có thể khiến trẻ trở nên khép kín hơn, thậm chí là không muốn trò chuyện với bất kì ai.

Tự dằn vặt bản thân

Sau khi gia đình đổ vỡ, trẻ sẽ bắt đầu có cảm giác tự dằn vặt bản thân. Một vài trường hợp, trẻ cho rằng do bản thân không nghe lời, học hành không tốt, nên cha mẹ mới bỏ mình mà đi.

Những suy nghĩ này kéo dài liên tục làm ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt và kết quả học tập. Nếu cha mẹ không kịp trấn an sẽ khiến trẻ dễ gặp vấn đề sức khỏe tâm lý nguy hiểm như trầm cảm, rối loạn lo âu, căng thẳng thần kinh...

Sống thu mình lại

Sau khi trải qua sự kiện li hôn của cha mẹ, chắc hẳn tâm lý của đứa trẻ nào cũng sẽ trở nên nhạy cảm hơn. Sau một khoảng thời gian thì những cảm xúc tiêu cực, quá khích của trẻ cũng dần thuyên giảm.

Tuy nhiên, những tổn thương tâm lí mà trẻ phải gánh chịu vẫn luôn tồn tại khiến trẻ nhạy cảm hơn với mọi thứ xung quanh, không muốn hoạt động, vui chơi thường xuyên như trước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn