MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phạm Thị Yến. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cựu tuyển thủ bóng chuyền Phạm Thị Yến: Đàn ông phải rất bản lĩnh khi yêu nữ VĐV

Hào Hoa (thực hiện) LDO | 22/06/2024 13:00

Ở tuổi 39, Phạm Thị Yến đã đi một hành trình rất dài với bóng chuyền. Từ cô bé 14 tuổi trốn nhà đi thi tuyển, đến nay cô đã là trợ lý huấn luyện viên của Câu lạc bộ Binh chủng Thông tin và mang quân hàm Trung tá.

- Những năm 2003, Phạm Thị Yến cùng với Bùi Thị Huệ tạo thành cặp chủ công "sát thủ" ở đội tuyển quốc gia, từng khuynh đảo các giải đấu bóng chuyền. Thời ấy, có ý nghĩa như thế nào với chị?

Mỗi khi tôi được gặp những khán giả yêu bóng chuyền, xem bóng chuyền từ thời chúng tôi thi đấu ở các giải VTV Cup đầu tiên năm 2003, 2004..., tôi luôn cảm nhận được tình cảm của khán giả, nhiều người gọi chúng tôi là “thế hệ vàng” của bóng chuyền nữ Việt Nam, tôi rất hạnh phúc.

Thời ấy luôn là tuổi trẻ tươi đẹp, đáng nhớ của tôi. Tôi đã khóc, cười vì bóng chuyền. Không ăn không ngủ được cũng vì bóng chuyền. Cả thanh xuân tuổi trẻ đã dành quá nhiều tâm sức, sức lực, tình yêu cho bóng chuyền.

Tôi vẫn nhớ trong một bài phỏng vấn, câu chuyện về bữa ăn đạm bạc của “những cô gái vàng” của tuyển bóng chuyền nữ cũng là đề tài gây chú ý. Nơi ăn ở, mức độ đầu tư, chế độ ưu đãi... đã thay đổi rất nhiều theo thời đại. Chị có bao giờ cảm thấy thiệt thòi?

Mỗi thời điểm mỗi khác, đúng như chị nói. Nhưng, nếu xét sòng phẳng, thế hệ chúng tôi so với những thế hệ trước đó cũng đã được tạo điều kiện tốt hơn rất nhiều. Nếu so với thế hệ hiện tại, thời cuối thập niên 1990 đầu 2000, chúng tôi còn quá nhiều khó khăn, từ chế độ dinh dưỡng, điều kiện tập, sự đãi ngộ, cơ sở vật chất hỗ trợ tập... đều thiếu thốn.

Bộ môn bóng chuyền đang ngày càng được quan tâm, do đó, thành tích của bóng chuyền cũng ngày càng khác đi. Tôi hy vọng qua đó bóng chuyền sẽ còn làm nên những thành tích tốt hơn nữa.

Với chị, bóng chuyền có đến “đúng người đúng thời điểm”?

Đúng với số phận của tôi. Nhìn lại hành trình mình đã đi, tôi rất tự hào, hạnh phúc. Chúng tôi đã được tạo điều kiện tốt nhất ở thời điểm ấy để tập luyện, thi đấu. Chúng tôi được khán giả yêu mến, cổ vũ, động viên.

Nếu tôi sinh ra ở thế hệ sau, biết đâu tôi lại không được chơi bóng chuyền, không được hưởng những hạnh phúc mà bóng chuyền đã mang lại cho tôi.

Phạm Thị Yến khi còn thi đấu. Ảnh: NVCC

Sau hành trình dài, từ những ngày trốn nhà đi thi tuyển bóng chuyền, bị bà nội phản ứng, đến bây giờ, Phạm Thị Yến đã là trợ lý huấn luyện viên ở Câu lạc bộ Binh chủng Thông Tin, mang quân hàm Trung tá. Nhìn lại hành trình của mình, có điều gì khiến chị tiếc nuối?

Tôi khởi đầu khi không hiểu biết về thể thao, không biết gì về bóng chuyền. 14 tuổi tôi đi thi tuyển, bà không đồng ý vì sợ cháu gái vất vả. Và tôi phải thuyết phục bà để tham gia câu lạc bộ bóng chuyền ở Hà Nam.

Năm 2001, tôi là vận động viên của tỉnh, khi tôi bắt đầu có những thành công nhất định, được khán giả yêu mến, bà tôi đã thay đổi quan điểm. Trong suốt hành trình sau này, tôi luôn được gia đình hỗ trợ, ủng hộ.

Tôi xuất thân trong gia đình không có điều kiện tốt, nhưng gia đình luôn là động lực để tôi nỗ lực, cố gắng.

Sau khi đội bóng của Hà Nam giải thể, tôi về Câu lạc bộ Binh chủng Thông tin và gắn bó đến hiện tại.

Khi lên tuyển quốc gia, chơi cùng Kim Huệ, Ngọc Hoa... tôi có quá nhiều kỷ niệm. Khi vào Sài Gòn, tôi nhớ nhà đến mức lần nào gọi điện về cho mẹ cũng khóc nói con muốn về.

Nhưng sau tất cả, nhìn lại, tôi rất hạnh phúc. Có lẽ, cũng có những tiếc nuối. Tiếc nuối ở tuổi 25...

Sau tất cả, tôi xin giữ lại tiếc nuối ấy cho riêng mình. Bởi nếu tôi có nói ra, ai sẽ bù đắp cho tôi những tiếc nuối ấy?

Ở trên sân đấu, chị và các vận động viên nữ luôn mạnh mẽ, quyết đoán, độc lập... Khi bước ra đời sống, những tố chất vốn là lợi thế thi đấu liệu có còn là lợi thế trước tình yêu, trước các chàng trai không, theo chị?

Ngay ở chiều cao nổi trội, tôi cũng từng rất ngại. Tôi ngại đi ra ngoài, vì thời đó rất ít người cao như mình. Sau này, tôi phải học cách làm quen, không bị chi phối nhiều về chiều cao.

Vận động viên nói chung đều mạnh mẽ. Nếu không mạnh, chúng tôi không thể phô diễn được hết kỹ năng, khả năng thi đấu của mình. Sàn đấu không phải là nơi để trình diễn thời trang hay sắc đẹp, chúng tôi buộc phải mạnh, phải khỏe, và chỉ tập trung để chiến thắng.

Phạm Thị Yến - “Hoa khôi bóng chuyền” một thời. Ảnh: NVCC

Chị có nghĩ rằng, mình được yêu vì chị là một vận động viên bóng chuyền, một ngôi sao bóng chuyền?

Với tất cả các vận động viên nói chung, khi chơi thể thao thi đấu đỉnh cao, chúng tôi đều xa gia đình từ khi còn nhỏ, tính tự lập rất cao. Quá trình luyện tập rèn giũa chúng tôi trở nên cứng cáp, mạnh mẽ, quyết đoán.

Có vẻ, nghề nghiệp sẽ tạo nên con người chúng ta. Vận động viên nữ sẽ thiếu đi sự nữ tính, mềm mại. Giống như đánh một đường bóng, đánh hay không đánh - phải quyết rất nhanh.

Tôi là người rất mạnh mẽ. Ít khi tỏ ra yếu đuối. Tôi còn trưởng thành trong môi trường quân đội. Tôi rất nghiêm khắc với chính mình, lịch trình cuộc sống hay tập luyện đều được sắp xếp, thực thi nghiêm túc, ngăn nắp... Nên có thể, tôi cũng sẽ nghiêm khắc với người khác.

Tôi nghĩ, đàn ông có lẽ phải rất bản lĩnh khi yêu phụ nữ chơi thể thao.

Phải có sự thông cảm, thấu hiểu, chia sẻ rất lớn. Đàn ông phải hiểu phụ nữ quá mạnh mẽ sẽ cần gì, để từ đó biết mình nên làm gì để giữ cảm xúc và cân bằng mối quan hệ.

Và dù mạnh mẽ, tôi không đi tìm, người đàn ông khi đến phải thể hiện bản lĩnh với tôi như thế nào (cười).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn