MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mặc dù không còn nhiều nhưng tình trạng tảo hôn vẫn đang xuất hiện ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số ở Đắk Nông. Ảnh: Bảo Lâm

Đắk Nông ngăn chặn nạn tảo hôn

Bảo Lâm LDO | 02/01/2024 18:47

Đắk Nông - Năm 2023, huyện Đắk Glong đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng đến việc chấm dứt tình trạng tảo hôn ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Vẫn còn tình trạng tảo hôn

Cách đây 4 năm, chị C ở xã Đắk P'lao đã lấy chồng khi mới 16 tuổi. Hiện chị C đang có 2 người con. Thời điểm đó, chồng chị C mới 19 tuổi nên hai người không đủ điều kiện đăng ký kết hôn. Hiện nay, do kinh tế gia đình khó khăn, đến nay đôi vợ chồng trẻ vẫn chưa có điều kiện ra ở riêng.

Chia sẻ về việc này chị C cho biết, cùng lứa tuổi, nhiều bạn bè đang đi học còn mình thì quanh quẩn với việc bếp núc, con cái, nương rẫy.

Gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền cộng với việc bất đồng quan điểm sống… là những nguyên nhân khiến vợ chồng hay mâu thuẫn, cãi vã. Nghĩ lại chị C cảm thấy mình vẫn còn quá trẻ, chưa thể quán xuyến công việc gia đình.

Mới đây, thông qua công tác phổ cập giáo dục, chính quyền địa phương và giáo viên Trường mầm non Hoa Lan, xã Quảng Khê (Đắk Glong) phát hiện ra 3 trẻ em ở bon R’Dạ chưa được khai sinh. Cả 3 đang sống cùng ông bà ngoại, còn bố và mẹ của các em đã bỏ đi biệt tích từ lâu.

Điều đáng nói, mẹ của những đứa trẻ này sinh con khi chưa đủ tuổi kết hôn. Cũng vì thế, cả 3 đứa trẻ trước đó không được khai sinh và không được đến trường học.

Theo UBND xã Quảng Khê, trong năm 2023, trên địa bàn xã Quảng Khê phát hiện 5 cặp có nguy cơ tảo hôn. Sau khi nắm bắt tình hình, chính quyền địa phương đã vào cuộc can thiệp kịp thời.

Nâng cao nhận thức cho người dân

Theo UBND huyện Đắk Glong, trong năm 2023, địa phương đã tổ chức hơn 30 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống với hơn 1.700 lượt người tham dự.

Hiện huyện Đắk Glong đã triển khai thành lập nhiều điểm truyền thông, vận động và các câu lạc bộ, các nhóm nòng cốt để tuyên truyền, góp phần thay đổi hành vi, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó, huyện Đắk Glong cũng huy động sự tham gia của cộng đồng nhằm thực hiện việc ngăn ngừa, giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Hoàng Thị Mỵ, Phó Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đắk Glong cho biết, tình trạng tảo hôn ở huyện Đắk Glong đã giảm mạnh nhưng vẫn còn xảy ra ở một số nơi, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số như người Mạ, người Mông sinh sống.

Để đẩy lùi tình trạng tảo hôn không phải là chuyện một sớm một chiều và cần sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Trong quá trình thực hiện, các địa phương phát huy vai trò của các nhà trường và đội ngũ cán bộ thôn, bon để giúp người dân nâng cao nhận thức về tảo hôn và những hậu quả do tảo hôn mang lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn