MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: Liên Hợp Quốc

“Đàn bà” vẫn bị dùng với ý miệt thị, coi thường

Mi Lan LDO | 08/03/2023 15:58
Những câu nói mang hàm ý miệt thị như, “anh ta tính cách rất đàn bà”, “sao anh đàn bà thế?”, “không chấp những người tính đàn bà”... vẫn đang được dùng phổ biến, rộng rãi.

Từ “đàn bà” ngày càng được dùng với hàm ý chê bai, coi thường – giữ bối cảnh xã hội luôn hô hào về bình đẳng giới.

Trên trang fanpage của UN Women (Cơ quan Liên Hợp Quốc vì Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ) từng có bài viết về cách dùng từ “đàn bà” trong cuộc sống hiện đại.

Theo đó, không chỉ đàn ông, mà ngay cả phụ nữ cũng có xu hướng dùng chữ “đàn bà” với hàm nghĩa chê bai, miệt thị ai đó. Từ bao giờ, chữ “đàn bà” không còn dừng lại ở ngữ nghĩa chỉ giới tính, còn mang nghĩa về sự nhỏ nhen, hẹp hòi, nông cạn, sốc nổi.

Chữ “đàn bà” đã trở thành từ để ám chỉ những nhược điểm, điểm yếu, và cả những tính cách xấu (xấu tính) của phụ nữ.

Khi chê một ai đó không hào phóng, không rộng rãi, “không đàn ông” – người ta sẽ dùng: “Sao anh đàn bà thế”, “Anh ta tính rất đàn bà”, “Loại đàn bà, không thèm chấp”....

Theo bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới – gia đình – phụ nữ và trẻ em vị thành niên (CSAGA), việc sử dụng chữ “đàn bà” với hàm nghĩa miệt thị, coi thường là biểu hiện rõ nét nhất của sự bất bình đẳng giới.

Sống giữa bối cảnh xã hội hô hào về bình đẳng giới, nhưng sự bất bình đẳng về giới vẫn diễn ra với nhiều dạng thức. “Bất bình đẳng giới ngày càng có nhiều biến tướng hơn” – bà Vân Anh nói.

“Bình đẳng giới không còn dừng lại là câu chuyện của lớp vỏ bên ngoài, mà đã ăn sâu vào tiềm thức, suy nghĩ, tư duy bên trong.

Phụ nữ vẫn đang cố gắng thay đổi vì đàn ông. Phụ nữ phải tỏ ra yếu đuối, mỏng manh để được đàn ông che chở. Bình đẳng giới đã có những biến tướng rất khác trong xã hội hiện đại. Phụ nữ phẫu thuật thẩm mỹ để làm đẹp cho mình, không sao. Nhưng có những phụ nữ phải chỉnh sửa nhan sắc, hình thể - để giữ chồng, vì sợ bị chồng bỏ. Phụ nữ đẩy cao vẻ đẹp hình thể để hấp dẫn đàn ông. Tất cả những cách nghĩ ấy đã đẩy phụ nữ vào vị trí thấp hơn – so với đàn ông” – bà Vân Anh đưa quan điểm.

Cách dùng từ “đàn bà” với hàm ý coi thường đã tồn tại từ lâu trong đời sống xã hội và ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ. Việc dùng từ “đàn bà” với sự miệt thị đã góp phần làm thấp hơn vị trí của phụ nữ.

Thêm nữa, việc gắn vào chữ “đàn bà” những hàm nghĩa xấu còn mặc định những tính cách đó đương nhiên thuộc về phụ nữ, cứ là phụ nữ, cứ là đàn bà sẽ nhỏ nhen, nông cạn, hẹp hòi.

Khi chúng ta kêu gọi bình đẳng giới, kêu gọi những điều tốt đẹp, to tát dành cho phụ nữ, việc đầu tiên có thể làm chỉ cần đơn giản là: hãy dừng dùng chữ “đàn bà” với hàm nghĩa coi thường, miệt thị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn