MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đàn ông "la làng" khi việc "khen hàng xóm xinh đẹp" là bạo lực gia đình

Huyền Chi LDO | 02/06/2022 10:20

Ý kiến "chồng khen hàng xóm xinh đẹp là bạo lực gia đình" vướng nhiều ý kiến phản ứng, trong đó nhiều người đàn ông cho rằng chưa hợp lý.

Trên mạng xã hội, cộng đồng mạng đang tranh cãi gay gắt về ý kiến cho rằng "chồng suốt ngày khen hàng xóm xinh cũng là bạo lực gia đình".

Trước đó, có ý kiến cho rằng việc chồng khen hàng xóm xinh đẹp có thể gây khủng hoảng, tổn thương tâm lý của phụ nữ. Từ đó, hành vi này có thể được coi là một dạng bạo lực gia đình về mặt tinh thần.

Đây là một nội dung được dư luận quan tâm vì liên quan đến mọi gia đình. Giữa bối cảnh bạo lực gia đình gia tăng trở thành chủ đề được quan tâm hơn bao giờ hết. Nhất là khi vừa xảy ra hàng loạt vụ bạo hành dẫn đến tử vong cho phụ nữ, trẻ em. 

Bạo lực tinh thần hay thể xác đều sẽ để lại những tổn thương khó lành, nhưng có phải hành vi nào cũng có thể quy thành “bạo lực gia đình“?. Ảnh minh hoạ

Trong những ý kiến về bạo lực tinh thần, việc "chồng suốt ngày khen hàng xóm xinh cũng là bạo lực" nhận nhiều phản ứng nhất.

Đàn ông "kêu oan"

Trên các diễn đàn, nhiều người đàn ông tỏ ra khó hiểu, oan ức khi bất ngờ bị "kết tội". Cánh mày râu bày tỏ quan điểm trên diễn đàn gia đình hạnh phúc: "Thế vợ suốt ngày so sánh, chê chồng không giàu, không đẹp trai như các diễn viên Hàn Quốc thì có phải bạo lực gia đình không?", "Vậy là không được khen phụ nữ đẹp trừ vợ mình ra?", "Nhiều khi đó là hình thức xã giao thôi, không có ý gì cả"...

Thậm chí, chủ đề "chồng khen hàng xóm xinh" trở thành từ khóa "hot" nhất mạng xã hội ngày 1.6. Trên các trang cá nhân, nhiều người đàn ông bày tỏ quan điểm mạnh mẽ. Anh Nguyễn Văn Dũng viết: "Nháy mắt là quấy rối tình dục, khen hàng xóm xinh là bạo lực gia đình, cảm giác như nam giới đang bị bức tử?".

Anh Hoàng Quý cho rằng, "Các ý kiến dường như đang rất khắt khe với đàn ông. Bình đẳng giới ở đâu?", hay những ý kiến hài hước cho rằng, "Kiểu này phải chuyển đến ở gần hàng xóm xấu chăng?"...

Trên thực tế, việc xác định hành vi bạo lực thể xác để xử lý theo pháp luật không khó, nhưng xác định hành vi bạo lực tinh thần lại rất phức tạp.

Tương tự, nếu "khen hàng xóm xinh đẹp" cũng được coi là bạo lực gia đình thì quá trừu tượng, khó xác định hành vi vi phạm.

Khen ngợi, liếc nhìn là bản năng con người

Theo chuyên trang tâm lý học Frontiers, đàn ông tập trung nhiều hơn vào các thuộc tính hình thể khi đánh giá người đối diện. Do ảnh hưởng của hormone tuyến sinh dục, nội tiết tố androgen sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ của nam giới.

Trong một cuộc nghiên cứu diện rộng, những người đàn ông được yêu cầu đưa ra lời khen để gây ấn tượng với những người phụ nữ mà họ chọn để hẹn hò hoặc xã giao. Với đối tượng hẹn hò - bối cảnh có yếu tố tình dục mạnh mẽ hơn so với xã giao, nam giới có xu hướng khen nhiều, tinh tế và ẩn dụ hơn.

Ngược lại, nếu đối phương là đồng nghiệp hay các mối quan hệ xã giao, đàn ông chỉ đưa ra những lời khen ngợi trừu tượng, chủ yếu nhận xét về ngoại hình.

Bên cạnh đó, việc liếc nhìn, bình luận về những người xung quanh được coi là bản năng của con người, thậm chí tỉ lệ ở nữ giới còn cao hơn.

Dựa theo kết quả của một khảo sát năm 1998, 68% nam giới ra đường hoặc nơi công cộng ngắm/nhìn phụ nữ; trong khi gần 70% nữ nhìn/ngắm nam giới.

Trong cuộc sống gia đình, khó có thể tránh khỏi những xung đột. Vì vậy, để định hình, xác nhận một hành vi bạo lực, cần có dẫn chứng khoa học thuyết phục, cơ sở pháp lý xác đáng hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn