MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Có dấu hiệu nam giới bị bạo lực gia đình tăng. Ảnh: Naver.

Đàn ông Việt bị bạo lực gia đình gia tăng, nguyên nhân sâu xa là gì?

Anh Trang LDO | 25/05/2024 10:59

Theo báo cáo tóm tắt của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, cho thấy số lượng nạn nhân là nam giới trong các vụ bạo lực gia đình có dấu hiệu gia tăng.

Trong năm 2023 có hơn 3.100 hộ xảy ra bạo lực gia đình với hơn 3.200 vụ. Trong gần 3.200 nạn nhân của bạo lực gia đình thì nữ là 2.600, nam 565. So với 2022, số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình đều giảm, tuy nhiên tỉ lệ nạn nhân là nam giới có dấu hiệu tăng so với năm trước.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, những nam giới có gia đình, độ tuổi từ 30 tới 40 đã chia sẻ những lý giải của họ về vấn đề này.

Anh Thanh Minh (quận Long Biên) chia sẻ lý do nam giới bị bạo lực gia đình có dấu hiệu tăng vì: "Do tính nữ quyền ngày một cao cộng với vấn đề nữ quyền độc hại nên nam giới đang bị bạo lực về tinh thần rất nhiều.

Nữ quyền độc hại tức là mọi thứ bị đẩy đi rất xa mang tính chất cực đoan. Vấn đề này hiện đang rất phát triển".

Tham khảo tài liệu khoa học, anh Thanh Minh cho hay, thực chất nam giới rất khó giải tỏa cảm xúc tiêu cực, khó hơn phụ nữ. Và, nam giới rất khó chia sẻ với phụ nữ khi đang xung đột.

Vì vậy, khi bị bạo lực gia đình, theo anh Thanh Minh hầu hết nam giới chỉ im lặng.

Trái lại, anh Chí Công (quận Bình Thạnh - TPHCM) phủ nhận vấn đề bình đẳng giới hay nữ quyền là tác nhân khiến nam giới bị bạo lực gia đình gia tăng.

Anh Chí Công nói: "Theo các báo cáo gần đây thì có vẻ như số vụ bạo lực gia đình đối với nam giới có dấu hiệu tăng lên. Tuy nhiên, việc này không thể đơn giản được quy kết do yêu cầu bình đẳng giới, hay nữ quyền ngày càng được đề cao.

Vì thúc đẩy bình đẳng giới không chỉ giúp cải thiện vị thế của phụ nữ mà còn có lợi cho xã hội nói chung, bao gồm cả nam giới, cũng như cộng đồng LGBT.

Bạo lực gia đình là một vấn đề xã hội mang tính phức tạp, nghiêm trọng và đa chiều. Do đó, nhận định nam giới bị bạo lực gia đình ngày càng tăng chỉ là ý kiến phiến diện, chủ quan của một nhóm bộ phận có cùng quan điểm, không thể hiện được sự khách quan cũng như ý chí cầu tiến của xã hội nói chung".

Anh Chí Công. Ảnh: NVCC.

Anh Minh Trí (quận Thanh Xuân) nhận định, đàn ông thường bị bạo lực về mặt tinh thần nhiều hơn bạo lực thể xác.

Về bạo lực thể xác, đàn ông hay bị tác động vật lý nhưng không đáng kể vì sức khỏe, thể lực của phụ nữ thường yếu hơn nhiều so với đàn ông.

Theo anh Minh Trí, phụ nữ thường "tác động vật lý" nam giới bằng cách đấm, cào hoặc tát nhưng không gây thương tích nặng. Phụ nữ bị bạo lực gia đình thường phải hứng chịu thương tích, tổn hại nặng nề hơn rất nhiều.

Đàn ông có thể chỉ bị vợ chì chiết, mắng mỏ, than vãn về lương, về thu nhập, về trách nhiệm với con cái trong gia đình. Nếu đối sánh về vấn đề bạo lực gia đình, phụ nữ đang chiếm tỉ lệ cao hơn nhiều lần và chịu những đau đớn thể xác nghiêm trọng hơn nhiều lần.

Dù là nam giới hay nữ giới nếu bị bạo lực gia đình, họ cần được lắng nghe, hỗ trợ và bảo vệ khi bị bạo hành, lạm dụng trong gia đình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn