MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đàn ông Việt ngày càng ế vì thừa nam hay áp lực kinh tế?

Mai Anh LDO | 24/06/2023 21:20

Thực tế đang cho thấy đàn ông ngày càng có nguy cơ ế nhiều hơn. Nhiều người chọn độc thân vì áp lực kinh tế và chênh lệch nam - nữ quá rõ rệt.

Sự chênh lệch nam - nữ ngày càng rõ rệt

Tổng cục Thống kê tiến hành điều tra trong cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở với tỷ số SRB - phản ánh cân bằng giới tính của số bé trai/ bé gái được sinh ra.

Theo đó năm 2021, SRB: 112 bé trai/100 bé gái, năm 2022 SRB: 111,5 bé trai/100 bé gái. Tỷ số này đang cao hơn so với mức cân bằng tự nhiên.

TS Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) phát biểu khai mạc Tọa đàm Mất cân bằng giới tính khi sinh. Ảnh Phạm Thắng

Tại buổi tọa đàm Mất cân bằng giới tính khi sinh và khuyến nghị quản lý nhà nước, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, Bộ Y tế Phạm Vũ Hoàng khẳng định tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam tuy xuất hiện muộn so với các nước nhưng đang tăng nhanh và lan rộng.

Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam ghi nhận xảy ra ở cả thành thị và nông thôn. Nguyên nhân chính vẫn xuất phát từ tư tưởng muốn sinh con trai ở các gia đình

Ông Hoàng Hội (Hội phó Hội truyền thông Hà Nội) chia sẻ với phóng viên báo Lao Động tại sự kiện "Ngày hội Gia đình Việt Nam” năm 2023: “Tỷ lệ nam - nữ chênh lệch đang là nỗi lo chung của toàn thế giới chứ không riêng gì Việt Nam.

Hiện nay tư tưởng phải sinh con trai, coi trọng con trai vẫn còn tồn đọng trong nhiều gia đình. Rất khó để thay đổi”.

Ông Hoàng Hội trong sự kiện “Ngày hội Gia đình Việt Nam” năm 2023. Ảnh: Mai Anh

Những cặp vợ chồng có điều kiện kinh tế sẽ có nhiều cách tác động để chọn lựa giới tính của con. Dẫn đến tỉ lệ SRB ngày càng tăng, khiến tỷ lệ nam - nữ chênh lệch đáng kể.

Trao đổi về vấn đề này với phóng viên báo Lao Động, bà Nguyễn Lịch (69 tuổi, Thạc sĩ - Giảng viên đã về hưu) chia sẻ: “Khi xã hội ngày một phát triển và văn minh, các gia đình sẽ chọn sinh 1 - 2 con thay vì nhiều con như thế hệ trước.

Có những gia đình quyết định chỉ sinh 1 con, nên có thể họ sẽ chọn sinh con trai thay vì con gái. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ nam - nữ đang ngày càng chênh lệch rõ rệt”.

Áp lực đè nặng khi “thừa nam”

Ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình cho biết, nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục diễn ra nghiêm trọng, thì đến năm 2050, ít nhất 2,3 triệu và cao nhất là 4,3 triệu đàn ông Việt không có khả năng kết hôn.

Nam giới trẻ bị dư thừa, có thể phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời, trì hoãn hôn nhân hoặc sống độc thân.

Nam giới độc thân cũng gặp nhiều áp lực khi lập gia đình. Một trong số đó là vấn đề tài chính.

Vốn dĩ đàn ông thường sẽ là người chịu trách nhiệm về mặt kinh tế hay còn gọi là “tình phí” khi đang trong một mối quan hệ. Vậy nên càng “thừa nam” thì áp lực tài chính lại càng nặng nề.

Nguyễn Sơn (nhân viên văn phòng, 30 tuổi) cũng đang gặp áp lực về chuyện kinh tế của bản thân: “Nếu không có kinh tế và công việc ổn định, đa phần đàn ông sẽ chưa tính đến chuyện kết hôn.

Mức lương 10 triệu/ tháng, tôi chưa có nhà riêng, điều kiện kinh tế chưa đủ để tôi có thể lo lắng, chu toàn cho vợ con sau này, nên vẫn đang cố gắng để tài chính vững vàng hơn".

Tuy nhiên nếu coi vấn đề kinh tế là nguyên nhân chính, thì trường hợp của Hoàng Long (tài chính ngân hàng, 45 tuổi) lại là một ngoại lệ.

Hoàng Long có nhà riêng tại Hà Nội, có xe riêng, có công việc ổn định nhưng vẫn chưa lập gia đình.

“Tôi khá bận, không có nhiều thời gian. Tôi độc thân cũng khoảng 8 - 9 năm. Bản thân cũng quen với cuộc sống độc thân nên ngại tìm hiểu một người mới. Nhất là khi đã bước vào độ tuổi ngoài 40” - Hoàng Long nói.

Nhiều vấn đề liên quan đến việc nam giới khó lấy vợ

Thực tế vấn đề tài chính không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn trạng đến tình nam giới độc thân, khó lấy vợ.

Anh Đình Mạnh nhận xét phái nữ ngày càng có yêu cầu cao hơn với đối tượng kết hôn. Ảnh: Mai Anh

Cũng trong sự kiện Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2023, anh Đình Mạnh (43 tuổi, chủ nhà hàng tại Hà Nội), chia sẻ với phóng viên báo Lao Động: "Xã hội ngày càng phát triển và hội nhập nên có một thực trạng là nữ giới có xu hướng lấy chồng ngoại quốc, nữ giới chọn sống độc thân không ràng buộc chuyện chồng con hay có yêu cầu cao đối với đối tượng kết hôn với mình...

Khiến việc cân bằng nam - nữ ngày càng căng thẳng, kéo theo hệ lụy đàn ông ngày càng khó lấy vợ".

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, tư tưởng kết hôn với với thế hệ GenZ (sinh từ 1997 đến 2012) cũng có nhiều thay đổi.

Thế hệ GenZ không thích chịu ràng buộc. Nhiều bạn trẻ chọn mối quan hệ ngắn hạn thay vì kết hôn.

Nhiều GenZ lựa chọn độc thân, thậm chí không yêu đương, để dành toàn bộ thời gian cho cho công việc, sở thích cá nhân và những chuyến du lịch khám phá.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn