MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nữ hành khách Lê Thị Hiền mắng chửi, mạt sát thậm tệ nhân viên quầy thủ tục check in tại sân bay Tân Sơn Nhất khi bị phạt quá cước hành lý. Ảnh cắt từ clip

Đánh vợ, chửi tục tĩu: Tại sao để trẻ em chứng kiến điều tồi tệ như vậy?

ANH THƯ LDO | 24/08/2019 06:36
Từ vụ việc người chồng đánh vợ (Bắc Kạn) trước mặt 2 con nhỏ hay đứa trẻ chứng kiến toàn bộ lời nói mạt sát của người mẹ với nhân viên quầy thủ tục check in tại sân bay Tân Sơn Nhất, các chuyên gia tâm lý lên tiếng cảnh tỉnh về hệ luỵ mà trẻ em sẽ gặp phải khi chứng kiến hành vi bạo lực.

Tác hại khôn lường

Mới đây, đoạn clip dài hơn 20 giây ghi lại cảnh người chồng đánh vợ trước mặt 2 con nhỏ đã gây phẫn nộ trên mạng xã hội.

Clip ghi lại cảnh gia đình 4 người ngồi ở phòng khách trong ngôi nhà sang trọng. Sau đó, người vợ ẵm đứa con nhỏ trên tay đứng lên khỏi sofa, người chồng chạy tới đánh vào đầu vợ tới tấp.

Dư luận bày tỏ sự phẫn nộ, cho rằng người chồng có hành động vũ phu. Vụ việc này chưa lắng xuống, lại xuất hiện nữ hành khách Lê Thị Hiền mắng chửi, mạt sát thậm tệ nhân viên quầy thủ tục check in tại sân bay Tân Sơn Nhất khi bị phạt quá cước hành lý ngày 11.8.

Điều đáng nói, đứa bé gái chừng 5- 6 tuổi chứng kiến toàn bộ sự hung dữ của mẹ, cháu tỏ ra hoảng sợ trước sự to tiếng la hét của mẹ.

Hình ảnh người chồng đánh vợ gây bức xúc dư luận. Ảnh cắt từ clip

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội - cho rằng, trong giáo dục, người lớn là tấm gương cho trẻ noi theo. Bố mẹ cư xử như thế nào dễ dàng ảnh hưởng đến thái độ và hành vi của con trẻ như vậy.

Theo chuyên gia này, việc xuất hiện bạo lực trong gia đình hay hành vi ứng xử không chuẩn mực của người thân ngoài xã hội, trẻ em sẽ bị ảnh hưởng. Hơn nữa, đứa trẻ sẽ mang tính cách, hành vi này đến trường, lớp và giao tiếp trong cuộc sống.

Để đẩy lùi tình trạng trên, ông Nguyễn Tùng Lâm đưa ra lời khuyên: "Phụ huynh đừng nghĩ chuyện thoả mãn thói quen xấu, làm theo bản năng, mà phải nghĩ đến tác hại của nó".

"Bố mẹ nào cũng muốn kì vọng vào con, trước hết, bố mẹ phải giáo dục con cái một cách chuẩn mực trong môi trường gia đình. Nếu tình trạng trên kéo dài sẽ ảnh hưởng rất xấu đến những đứa trẻ" - chuyên gia này nói.

Chấm dứt vòng luẩn quẩn

Trước những sự việc trên, bà Khuất Thu Hồng-Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội - nhận định: "Các nghiên cứu đã chứng minh được mối liên hệ giữa việc trẻ em phải chứng kiến bạo lực thì lớn lên có những hành vi bạo lực hoặc chấp nhận bạo lực".

Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội khẳng định, người lớn không tự kiềm chế, có hành vi bạo lực trước mặt cháu nhỏ là hành vi rất xấu.

Theo dõi rất kĩ lưỡng về hai vụ việc này, bà Hồng cho biết: "Tôi thấy rất buồn khi chính con em họ phải chứng kiến những hành vi bạo lực nghiêm trọng hay những lời nói mạt sát, thái quá trong giao dịch dân sự. Những trường hợp này cần xã hội, dư luận lên tiếng mạnh mẽ để trẻ em không phải chứng kiến những điều tồi tệ như vậy".

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển xã hội.

Chuyên gia này cho hay, vòng luẩn quẩn bạo lực rất khó chấm dứt nếu từ nhỏ những đứa trẻ phải chứng kiến hành vi như vậy.

Vị này lấy ví dụ, trường hợp bố đánh mẹ, mẹ phải câm lặng chịu đựng, thì trẻ em sẽ nghĩ đến bạo lực trong gia đình là chuyện bình thường. Lớn lên, nếu là phụ nữ có thể cam chịu, còn là nam giới sẽ tự cho mình có quyền bạo lực. Như vậy, vấn đề bạo lực trong chính gia đình cần đẩy lùi để chấm dứt vòng luẩn quẩn.

"Những lời hay, ý đẹp khi được giáo dục tại trường học sẽ vô nghĩa nếu trẻ em trực tiếp chứng kiến những lời nói hay hành động bạo lực từ chính những người thân trong gia đình", bà Hồng khẳng định.

Bà Hồng cho rằng, những lời nói, hành vi của người trong gia đình ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ nhất. Vì vậy, mỗi phụ huynh nên có lối ứng xử văn minh, làm gương và giáo dục  cho chính con em mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn