MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hai ông thông gia thích kiểu du lịch dã chiến trong hành trình xuyên Việt cùng con. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đưa bố U80 phượt xuyên Việt 20 ngày trên "ngôi nhà di động"

Ninh Linh LDO | 05/05/2024 06:00

Chuyến phượt xuyên Việt 20 ngày như sợi dây liên kết giữa những người đàn ông trong gia đình anh Thế Vinh (Hà Nội).

Vốn dĩ kế hoạch được ấp ủ từ năm 2020 nhưng vì dịch bệnh căng thẳng và công việc khó sắp xếp nên ước mơ lái xe xuyên Việt của anh Thế Vinh (Hà Nội) cùng bố chưa thể thực hiện. Sau 4 năm, cuối cùng, ước mơ ấy đã được hoàn thành...

Ước mơ của bố

“Trong những lần gia đình ăn tối cùng nhau, bố tôi thường hay chia sẻ muốn được một lần đi xuyên Việt cùng bạn bè, nên tôi đã lên kế hoạch từ năm 2020 nhưng phải hoãn lại tới 2024 mới đi được. Bố tôi sau khi nghe kế hoạch của tôi đã rất vui và thu xếp thời gian để đi cùng con trai”, anh Vinh bày tỏ.

Vì đã có kinh nghiệm đi xuyên Việt nhiều lần trước đó nên việc lên kế hoạch cho chuyến đi này rất nhanh. Anh Vinh ước chừng thời gian chuyến đi khoảng 20 ngày. Anh cũng tự tính toán cung đường di chuyển: Nên đi những đâu, theo hướng nào, các tỉnh cần đi so le nhau ra sao để cung đường khi chạy xe về nhàm chán và mệt mỏi.

Anh Vinh nói bản thân làm công việc kinh doanh tự do nên thời gian chủ động, có thể tự sắp xếp ổn thoả được và thu nhập cũng ổn định. Sức khỏe của 2 bố con anh đều tốt. Năm nay, ông Nguyễn Văn Quang - bố anh Vinh, đã 77 tuổi.

Chiếc xe bán tải biến thành căn nhà di động đồng hành cùng bố con anh Vinh suốt chuyến đi. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bên cạnh đó, để tăng trải nghiệm cho chuyến đi, anh còn đầu tư một bộ thiết bị "nhà di động" trị giá 300 triệu đồng chuyên dùng cho xe bán tải. “Nhà di động" của bố con anh Vinh có hệ thống điện dự trữ 4kW phục vụ các thiết bị như điều hòa, đèn, quạt, tủ lạnh 25L, ổ sạc điện thoại... và hệ thống trữ nước phục vụ các sinh hoạt như tắm tráng, rửa đồ ăn, đồ dùng...

Chuyến đi này, ngoài anh và bố, còn có sự đồng hành của bố vợ (63 tuổi) và anh vợ. “Đầu năm nay, bố vợ và anh vợ tôi từ Đồng Nai ra Hà Nội thăm con, cháu. Vì thế, nhân dịp này, tôi lái xe chở bố vợ và anh vợ về nhà và cũng là dịp hai ông thông gia có chuyến đi hội ngộ”, anh kể.

Khoảnh khắc “không mua được bằng tiền”

Mỗi ngày, gia đình anh Vinh di chuyển 200 - 300km, trong đó, anh Vinh là lái xe chính. Anh vợ cũng biết lái xe và bố anh Vinh từng là lái xe kỳ cựu. Vì vậy, trong suốt chuyến đi, các thành viên trong gia đình đều có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.

Tuy nhiên, ở một số chặng đường, chiếc xe bán tải của gia đình anh cũng gặp những trục trặc nhỏ.

Anh cho hay: “Tôi đã bảo dưỡng xe trước chuyến đi nhưng xe vẫn bị thủng lốp trên đường. Bên cạnh đó, bản đồ trên Google Maps đôi khi chỉ đường “lỗi” khiến lái xe cảm thấy phân vân.

Tôi nhớ lần ấy xảy ra khi chúng tôi chạy xe ở những nơi vùng cao trên Tây Nguyên. Nhưng vì tôi đã đi nhiều, có kinh nghiệm nên thông thường sẽ nhìn cả biển báo khi tới những chỗ rẽ và đi đường quốc lộ chính nên không bị lạc”.

Sáng sớm thức dậy ở một nơi xa. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngoài ra, trong chuyến đi, thời tiết thay đổi, cộng thêm lý do khẩu vị món ăn của các vùng miền khác nhau nên anh Vinh tiết lộ bản thân bị táo bón một thời gian.

Về chỗ ngủ, gia đình anh thường xuyên ngủ trong nhà di động. Thi thoảng, gia đình anh thay đổi chỗ ngủ ở khách sạn để đảm bảo sức khỏe cho chuyến đi dài.

Về ăn uống, đôi khi gia đình anh mua đồ tự nấu ăn, tổ chức ăn trực tiếp bên ngoài nhà di động. Buổi sáng, gia đình anh thường nấu mì nếu cắm trại ở những địa điểm xa khu dân cư. Vì thế, trên xe của anh chứa khá nhiều đồ ăn và dụng cụ bếp như nồi cơm, tủ lạnh mini...

Anh Vinh bày tỏ: “Hành trình của gia đình chúng tôi đi qua 5 tỉnh Tây Nguyên rồi vào tới miền Tây, ghé Tây Ninh, sau đó quay về TPHCM và đi men theo đường ven biển Bình Thuận, Ninh Thuận...

Cảnh đẹp trên đường nhiều lắm nhưng tôi ấn tượng nhất có lẽ là cảnh sắc ở Măng Đen (Kon Tum) và cung đường ven biển Phú Yên. Còn bố tôi thích Huế và Đà Nẵng”.

Chuyến đi này giống như sợi dây liên kết hai bố con anh Vinh. “Ở nhà tôi và bố ít gần gũi do bố là người rất nghiêm khắc và kỷ luật. Nhưng khi lớn lên, tôi hiểu việc phải làm như thế nên 2 bố con cũng hay ngồi chia sẻ góc nhìn về công việc, hay lịch sử, xã hội và đi du lịch cùng nhau”, anh Vinh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn