MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

"Em muốn có Quốc tế thiếu nhi"

PHONG LINH LDO | 31/05/2022 20:50

Chiều, cuối tháng 5, bé Na ngồi dưới hiên nhà nhìn mấy giọt mưa cuối cùng vẫn còn rơi dang dở: "Em muốn có Quốc tế thiếu nhi"...

Bé Na là con riêng của chị Sương, chị dâu tôi, người mà không mấy ai trong gia đình dòng họ chịu nổi tính nết của chị. Chẳng phải chị học hằn, khó tính hay chảnh chọe, xa hoa mà cái con người chuyển từ thành phố về vùng quê nghèo này sống vẫn còn mang lắm phong cách của Sài Gòn, thế nên mới có chuyện nhiều người không ưng.

Nhưng đối với tôi, chị là một người giỏi giang và tháo vát, chỉ riêng ở khoảng gánh vác gia đình, tôi cũng thầm ngưỡng mộ chị. Chị dậy từ sớm để nấu ăn cho hai ba con, cũng thức đến tận khuya chỉ để ủi mấy bộ đồ của hai ba con cho thẳng thớm, tươm tất. 

Thật ra, chị và chồng trước cưới nhau khi hai người đang độ xuân thì, tôi nhớ không lầm là 23, chị kể vậy. Lúc đó, anh thương chị da diết và đòi cưới chị cho bằng được. Thế là, sau tốt nghiệp Đại học, hai người đến với nhau, mặc dù gia đình chị ngăn cản.

Thế nhưng, khi bé Na mới lên hai, cũng là lúc chồng trước của chị dang díu với một người phụ nữ khác. Cương quyết, chị từ bỏ chồng ra đi với hai bàn tay trắng, và kết quả là, bé Na chẳng may mắn như người bao đứa trẻ khác.

Bé Na theo mẹ làm đủ việc, từ phục vụ quán ăn đến buôn bán quần áo, tất nhiên em ấy không làm phụ mẹ nhưng qua lời kể của chị, tôi hiểu em ấy có một tuổi thơ bất hạnh. Để rồi, anh họ tôi bước vào cuộc sống của hai người, vừa mang đến hạnh phúc, cũng vừa gieo rắc nỗi đau... cho bé Na.

Mùa thu nằm đó, anh tôi chăm chỉ sửa lại căn nhà cũ kĩ - tài sản duy nhất ba để lại cho anh sau khi ông có vợ mới. Một mình anh lợp mái tôn, sơn lại nhà, hàn cửa rồi cưa mấy miếng gỗ cho ngay ngắn để làm cái hàng rào trồng đầy hoa hướng dương để rước chị về. 

Những tháng ngày đầu ở với nhau, anh và chị rất hạnh phúc, tôi chắc rằng như thế. Sinh nhật bé Na, anh đã bí mật đi mua chiếc bánh kem màu hồng cho cô bé. Hôm đó, lúc cô bé cầu nguyện anh cũng hứa với lòng sẽ chăm sóc cho hai mẹ con này hạnh phúc đến suốt cuộc đời.

Một bận tựu trường¸ chính anh là người chủ động dẫn cô bé đi mua dụng cụ học tập. Anh dặn chị gói ghém tiền mua cho con gái hai chiếc váy mới. Thế là từ bận đó, ngày nào anh cũng đưa rước cô bé đến trường, hai lần đều đặn, không bao giờ trễ.

Không ai dám tin rằng, một người đàn ông ăn nói cộc cằn lại dám dành phân nửa tiền lương thưởng Tết để sắm đồ mới cho vợ và con gái. Anh không cần một bộ đồ mới nhưng vợ con anh nhất định phải có đủ quần áo đẹp trong mỗi dịp Tết đến xuân về.

Tôi những tưởng, bé Na sắp được hạnh phúc trở lại, nhưng nào ngờ, anh và chị lại lỡ duyên…

Vậy nên, người chịu khổ vẫn là bé Na, mẹ bé Na hai lần "lỡ đò" nhưng bé Na cũng là người chịu nhiều đau đớn.

Trẻ con mà, chúng sẽ chẳng hiểu vì sao ba mẹ chúng lại không ở với nhau nữa. Chỉ là khi cả hai không đến được với nhau, chúng bất mãn, quấy khóc vậy thôi.

Hình ảnh bé Na ngồi bó gối ngày hôm nay cũng y hệt như cái ngày em mới về nhà mà anh họ tôi sang sửa. Ngày hôm đó, em cũng bảo với tôi “Em nhớ ba lắm! Ba và mẹ không thương nhau, thế nên em mới một mình!”

Vậy nên, ngày hôm nay, tôi tưởng em sẽ nói với tôi một cái gì đó, về nỗi nhớ nhung ba mẹ em. Nhưng không, ngày hôm nay, em không nói nhiều về chuyện ba mẹ, cũng không thút thít khóc với tôi nữa, em chỉ lặng người nhìn mấy giọt mưa vẫn còn rơi dang dở ngoài sân, rồi lia mắt nhìn con đường quê xa hút không một bóng người. Thỉnh thoảng, em chớp mắt, đôi mắt vẫn óng ánh sự ngây thơ của một đứa trẻ mới lên 10.

“Cô giáo nói ngày mai là ngày Quốc tế thiếu nhi, chị ơi em muốn có một ngày Quốc tế thiếu nhi...”

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn