MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giới trẻ và những tổn thương tâm lí

BÍCH NGỌC LDO | 17/05/2023 06:00

Những năm gần đây, số vụ tự tử trong độ tuổi học sinh, sinh viên đang có chiều hướng gia tăng. Qua khảo sát, nguyên nhân dẫn đến việc giới trẻ tự kết thúc cuộc đời mình đa số xuất phát từ những tổn thương tâm lí.

Theo thống kê tại Việt Nam, số người tự tử hàng năm lên tới 36.000-40.000 người, cao gấp 3-4 lần số ca tử vong do tai nạn giao thông. Trước tình trạng những vụ tự tử xảy ra liên tiếp với độ tuổi ngày trẻ hoá đang cảnh báo về những tổn thương tâm lí, áp lực cuộc sống của giới trẻ hiện nay.

Trước đó, vụ việc nữ sinh Trường THPT chuyên Đại học Vinh tự tử do những áp lực phải kìm nén trong suốt thời gian dài mà không thể giải tỏa được khiến dư luận không khỏi xót xa. 

Vừa qua, người dân lại bàng hoàng khi phát hiện một nam thanh niên treo cổ tự tử dưới chân cầu Cần Thơ. Được biết, nguyên nhân là do gặp vấn đề về tình cảm.

Nỗi buồn, áp lực, cảm giác thất vọng, chán nản nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cảm xúc, suy nghĩ và hành vi. Những cảm xúc tiêu cực nếu không có phương pháp để cải thiện tốt hơn, không chia sẻ được với ai và hơn hết là thiếu kiến thức chữa lành vết thương tâm lí sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Giới trẻ đối mặt với căng thẳng, stress kéo dài từ áp lực cuộc sống. Ảnh: Bích Ngọc

Tốt nghiệp loại giỏi cử nhân ngành Văn học, Huỳnh Như đang phải chịu những áp lực để tìm được cho mình một công việc: "Nhìn thấy bạn bè có được việc làm sau khi ra trường, trong khi tôi thì vẫn chưa, nhiều đêm trằn trọc thất vọng về bản thân khiến tôi chẳng thể ngủ được".

”Suốt một khoảng thời gian dài trong trạng thái mệt mỏi, stress vì những câu nói vô tình từ những người xung quanh. Hơn thế, nhìn ánh mắt kì vọng của gia đình, bản thân lại cảm thấy nặng nề, mệt mỏi” - Huỳnh Như chia sẻ.

Trước việc đặt kì vọng về sự hoàn thiện của bản thân, Thanh Thuận sinh viên năm 2 ngành Ngôn ngữ Anh cho biết: "Xã hội đang phát triển rất nhanh, tôi cũng phải trau dồi kiến thức cho bản thân càng nhanh để không bị lạc hậu. Tuy nhiên, chính vì đều này khiến bản thân tôi thấy áp lực, mệt mỏi nhiều hơn".

Ngày nay, những áp lực cuộc sống, cảm xúc tiêu cực, stress kéo dài không chỉ có ở những người trưởng thành mà còn ở giới trẻ. Đặc biệt, ở lứa tuổi thanh thiếu niên khi chưa phát triển toàn diện dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài dẫn đến tổn thương tâm lí.

Với những việc khó khăn mà đối với nhiều người được xem là bình thường thì với những người gặp những tổn thương về tâm lí có thể là giọt nước tràn ly, mất niềm tin vào cuộc sống.

"Những lời bàn tán về ngoại hình khiến tôi rất buồn. Tìm đến những group tâm sự trên mạng xã hội để có thể chia sẻ nhưng lại nhận được những lời nói trêu chọc, hay thậm chí là những lời than phiền khiến tôi càng thấy tuyệt vọng" - Vân Trang, nữ sinh ở Cần Thơ, chia sẻ.

Theo thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An - giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, khi gặp khó khăn, điều các bạn trẻ cần làm là tìm cho mình một điểm tựa như gia đình, người thân, bạn bè để sẻ chia; tham gia những lớp học về các kỹ năng sống, các lớp năng khiếu để được tiếp xúc, có thêm những mối quan hệ mới để bản thân không có cảm giác bị cô đơn... Gia đình cần quan tâm đến con cái để kịp thời nắm bắt được những thay đổi về mặt tâm lý của các em.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn