MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hành trình cô gái người Pháp gốc Việt tìm mẹ thất lạc sau 25 năm

Anh Tú - Thủy Tiên LDO | 27/07/2022 06:00

TPHCM - Suốt 25 năm sống tại Pháp cũng là ngần ấy thời gian day dứt về nguồn cội, gốc gác của mình. Cô gái người Pháp tên Emma Kiener (sinh năm 1996) cuối cùng cũng tìm lại người thân với sự đồng hành, giúp đỡ của ba mẹ nuôi người Pháp và cộng đồng mạng chỉ sau 1 ngày.

“Nhìn em không giống người Pháp”

Emma lớn lên trong sự nuôi dưỡng với tình yêu thương, bảo bọc của ba mẹ nuôi tại miền đất Périgueux (tỉnh Dordogne, thuộc vùng Nouvelle-Aquitaine của Pháp). Ba mẹ nuôi từng nói với cô rằng: “Ba mẹ đã nhận nuôi con, dòng máu của chúng ta khác nhau nhưng ba mẹ vẫn nuôi nấng con như con ruột thật sự”.

Emma biết mình là con nuôi theo một cách rất tự nhiên khi những gì ba mẹ nuôi nói luôn là thứ bản thân cô đã biết từ khi sinh ra chứ không phải những thứ mà cô phát hiện, họ không giấu cô điều gì mà luôn sẵn sàng nói cho cô nghe. Điều đó luôn khiến Emma cảm thấy hạnh phúc và may mắn khi nhận được tình cảm thiêng liêng này. 

This browser does not support the video element.

Clip Emma chia sẻ về lý do muốn tìm lại cội nguồn.

Để nói về thời khắc khiến cô thật sự muốn biết quê hương ở đâu thì có lẽ là khoảng 12, 13 tuổi, lúc đi du lịch một mình: “Tôi luôn tự hỏi bản thân từ khi là một thiếu nữ với những câu như tôi thuộc về đâu? Ba mẹ tôi là ai? Tại sao lại bỏ rơi tôi? Có chuyện gì xảy ra với họ đến mức mà họ lại phải bỏ tôi hay không?”

Emma (phải) vào thời điểm được ba mẹ nhận nuôi tại Việt Nam. Ảnh: NVCC

Thời gian sau đó, Emma bắt đầu đi du lịch nhiều hơn ở nhiều quốc gia khác nhau. Tất cả những nơi cô đi qua, những lần gặp mặt con người ở những nơi đó đều đưa cô gái đến với quyết tâm tìm về ngôi nhà thật sự của mình. 

Cô gái bộc bạch: “Mỗi khi gặp mọi người, họ đều hỏi tôi đến từ đâu và khi tôi nói mình đến từ Pháp họ đều phản ứng lại rằng nhìn tôi không giống người Pháp. Tôi phải luôn giải thích rằng tôi được sinh ra tại Việt Nam nhưng được một cặp gia đình người Pháp nhận nuôi. Và họ lại hỏi tiếp rằng làm sao tôi biết được cha mẹ ruột của mình nhưng tôi không biết phải trả lời sao cả. Phải nói rằng những câu hỏi và những câu trả lời liên tục được lặp lại, thi thoảng tôi cũng cảm thấy hơi phiền thức nhưng phải thừa nhận rằng… những thắc mắc đó trở thành một thứ gì đó rất quan trọng với tôi, khi chương đầu của cuộc đời chưa hoàn thiện, tôi coi đó là mảnh ghép còn thiếu trong cuộc đời tôi”.

Tìm về với nguồn cội

Mọi thứ bắt đầu từ tháng 2 năm nay, dịch bệnh có phần được kiểm soát, Việt Nam mở cửa đường bay quốc tế trở lại và đó là cơ hội cho cô tìm về Việt Nam. Emma gọi cho công ty ở Canada và nói rằng mình không thể bắt đầu làm vào tháng 5 như đã hứa được nữa, cô cần phải đến Việt Nam và dành mùa hè của mình ở đó. 

Khi biết tin Emma quyết định về Việt Nam, ba mẹ nuôi thủ thỉ với cô rằng: “Emma, nếu như con muốn đến đó, ba mẹ sẽ đi cùng con, thậm chí nếu con muốn tìm lại gia đình ruột thịt thì ba mẹ cũng có thể giúp con”. Và rồi, ba mẹ Emma đã cùng với cô bay đến TPHCM để tìm gia đình ruột thịt.

Theo giấy tờ nhận nuôi được ba mẹ giữ gìn cẩn thận suốt 25 năm trời, Emma tên tiếng Việt là Trương Thị Thanh Hạnh, sinh ngày 5.10.1996. Sau khi bị mẹ bỏ lại tại bệnh viện Từ Dũ (TPHCM), nửa tháng sau, Hạnh được chuyển qua Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình và được một cặp vợ chồng người Pháp nhận nuôi. Đó cũng là gia đình hiện tại của Emma.

Emma xúc động kể về sự giúp đỡ của người dân và cộng đồng mạng Việt Nam: “Trước đó, tôi có lên một trang cộng đồng Việt trên Facebook, tôi đã đăng một bài viết bằng tiếng Anh và nhờ một người bạn ở Hà Nội dịch nội dung ra tiếng Việt để tôi đăng trong hai mươi hội nhóm khác. Họ bắt đầu chia sẻ bài viết của tôi đi xa hơn đồng thời gửi đến tôi rất nhiều lời động viên, tôi như được xoa dịu bởi sự tấm lòng của mọi người ở đây”.

Emma đăng bài trên 1 group mạng xã hội để tìm người thân tại Việt Nam. Ảnh: MXH

Chỉ trong 4 tiếng sau khi đăng tải, một tài khoản tên Loan (Trần Thị Thanh Loan) đã gửi cho Emma một tin nhắn khiến cô đến bây giờ vẫn không tin được nói rằng người ấy là chị của cô. 

Emma bắt đầu bối rối vì việc này đến quá nhanh, cô nghi ngờ hỏi về bằng chứng. “Cô ấy đã gửi cho tôi ảnh của mẹ, tấm ảnh có chứa tên mẹ và tên tôi, cô ấy cũng gửi cả địa chỉ nữa. Những thứ cô ấy gửi đều trùng khớp với câu chuyện của tôi”, Emma chia sẻ.

Emma bên cạnh chị Loan (áo đen) cùng ba mẹ nuôi của mình tại TPHCM. Ảnh: NVCC

Trong buổi gặp mặt của hai chị em, Emma xúc động nói: “Khi gặp chị gái lần đầu tiên, tôi nhìn chị ấy và cố tìm ra những điểm giống nhau trên gương mặt chúng tôi. Tôi đã ôm chị ấy chặt và chị ấy bắt đầu khóc. Chúng tôi ngồi cạnh nhau và bắt đầu nói chuyện, tôi cũng cảm ơn người phiên dịch đã giúp chúng tôi dễ dàng giao tiếp hơn”.

Tuy mọi thông tin đối chứng đều trùng khớp, nhưng cả hai vẫn muốn phân tích ADN để khẳng định lại một lần nữa. Sau hôm gặp mặt, đến hôm 19.7 hai chị em vỡ òa khi cùng đọc dòng chữ: "Có quan hệ huyết thống theo dòng mẹ" trên mảnh giấy kết quả.

Chị Loan đã rơi nước mắt hạnh phúc vì sau bao nhiêu năm chị cũng được đoàn tụ cùng người em gái. Và chị tin rằng ở một nơi nào đó, mẹ đã an lòng, nhắm mắt xuôi tay trước sự đoàn tụ của 2 chị em. Mẹ chị qua đời cuối năm 2015.

(Còn tiếp)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn