MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hậu lấy chồng nước ngoài: Những thân phận dập dềnh như con nước miền Tây

TRẦN LƯU - NGUYỄN TRI - THÀNH NHÂN LDO | 17/06/2020 10:00

Trở về quê mẹ, những đứa trẻ mang trong mình hai dòng máu không giấy tờ, bập bẹ nói tiếng Việt, sống cùng với họ hàng người thân…, với tương lai dập dềnh như con nước miền Tây…

“Mắc kẹt” giữa 2 đất nước

Đang ngồi trước sân nhà, thấy có người lạ đến, cháu Lee Chen Chun (tên Việt Nam là Nguyễn Tuấn Anh) chạy vội vào nhà kiếm dì ruột. “Không bệnh là nó vui vẻ lắm, gặp ai cũng cười hết. Mấy ngày nay thời tiết thất thường nên nó bị sốt, chảy nước mũi, mặt bí xị vậy đó” – chị Nguyễn Thị Diễm Hương (30 tuổi, ở ấp Thạnh Lộc 1, xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) – dì của Tuấn Anh chia sẻ.

Tuấn Anh, nước da trắng trẻo dễ thương. Về Việt Nam đã gần một năm, nhưng Tuấn Anh chỉ mới nói bập bẹ một số từ như mẹ, bà ngoại, ông ngoại..., còn lại vẫn nói tiếng Hàn.

Hơn 4 tuổi, Tuấn Anh vẫn rất nhút nhát, thấy người lạ là cứ ôm chầm lấy dì không buông. “Bữa trước mẹ nó về nhưng nó không chịu ngủ chung, cứ thích ngủ với dì thôi, nó gọi chị bằng mẹ luôn, thương lắm đi đâu cũng chở đi theo” – chị Hương nói.

Mẹ của Tuấn Anh là chị Nguyễn Thị Quỳnh Như (sinh năm 1996) lấy chồng Hàn Quốc từ năm 2015. Cuộc sống đang hạnh phúc thì bất ngờ chồng Như bị ung thư nặng. Hết cách, chị Như đành gửi con về bên ngoại chăm sóc, nuôi dưỡng. “Tội nghiệp nó lắm, xa cha xa mẹ gần cả năm nay. Hàng ngày, cháu nó vui chơi với các bạn đồng trang lứa bình thường, vui vẻ, tuy nhiên, trong việc giao tiếp thì cháu gặp nhiều khó khăn vì không nói được tiếng Việt” - chị Hương nói thêm.

Dù sống ở Việt Nam đã gần 1 năm, nhưng Nguyễn Tuấn Anh vẫn chỉ nói được bập bẹ tiếng Việt. Ảnh: P.V.

Trong năm 2019, theo thống kê của UBND huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ đã có gần 400 trường hợp phụ nữ trên địa bàn huyện đi lấy chồng nước ngoài; ghi chú kết hôn hơn 100 trường hợp, đa số là các nước như Trung Quốc, Đài Loan – Trung Quốc, Hàn Quốc và một số Quốc gia vùng lãnh thổ khác.

Tuấn Anh không phải trường hợp cá biệt, ở TP.Cần Thơ có cù lao Tân Lộc (phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt), nằm biệt lập trên dòng sông Hậu, được người ta gọi là “cù lao Đài Loan”, “cù lao xuất ngoại”… Bởi, phường Tân Lộc có hơn 700 hộ dân, hơn 29 ngàn nhân khẩu nhưng có hơn một ngàn cô gái lấy chồng nước ngoài.

Ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang có trường hợp chị Hồ Thị Mỹ Ân lấy chồng Hàn Quốc từ năm 2006. Sau thời gian sống bên Hàn Quốc, chị lần lượt gửi 2 con (một trai một gái) về quê cho mẹ ruột chăm sóc, với hai hộ chiếu kèm theo, không tờ giấy lận lưng.

Một thời gian dài, đứa con trai không có giấy khai sinh lại thêm mắc chứng bại não bẩm sinh, tiền thuốc men hàng tháng trên 10 triệu đồng. Gia đình đến UBND xã xin mua thẻ BHYT cho cháu. Họ nhìn hộ chiếu toàn chữ Hàn Quốc rồi lắc đầu vì chẳng biết ghi sao. Không có khai sinh, đứa nhỏ không được đi học, đứa lớn bệnh tật cũng không được hỗ trợ gì.

Gian nan thủ tục

Theo báo cáo của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hậu Giang, tính đến tháng 2.2020, tỉnh này có hơn 10.000 phụ nữ kết hôn với người Hàn Quốc; 6.205 phụ nữ kết hôn với người Đài Loan; 85 phụ nữ kết hôn với người Trung Quốc; 1.218 phụ nữ kết hôn với người nước ngoài khác.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hậu Giang, Huỳnh Thị Kim Hương cho biết, rất nhiều phụ nữ lấy chồng nước ngoài trở về Việt Nam được Tòa án chấp thuận đơn phương ly hôn, nguyên nhân chính là những bất đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán và mâu thuẫn về kinh tế.

Đa số phụ nữ trở về Việt Nam mặc cảm, không có nghề nghiệp thường không ở địa phương mà đi làm ăn xa. Chỉ một số cô dâu về Việt Nam có đem theo giấy kết hôn hoặc đã ly hôn bên chồng còn lại phần lớn các cô dâu đều trốn nhà chồng về không mang giấy tờ tùy thân về nên rất khó khăn trong việc làm thủ tục.

Thời gian qua, Hội đã thành lập Ban Quản lý dự án hôn nhân Hàn Quốc, nhằm tuyên truyền các vấn đề liên quan đến hôn nhân nước ngoài, môi giới bất hợp pháp nhằm nâng cao nhận thức cho người dân nhất là phụ nữ trong độ tuổi kết hôn. Ngoài ra hội đã phối hợp với Viện khoa học xã hội vùng Nam Bộ khảo sát “Tình hình con lai trên địa bàn tỉnh” và Trung tâm chính sách nhân quyền Liên hiệp quốc “Kocun” khảo sát hỗ trợ cho các trẻ em lai Việt Hàn, tư vấn hỗ trợ ly hôn cho nhiều trường hợp…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn