MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hệ lụy khó lường khi gia đình bênh con quá mức, giáo viên không được tôn trọng

Chí Long LDO | 09/12/2023 12:06

"Ở sự việc, tôi thấy hai bên đều có lỗi, nhưng trách nhiệm lớn nhất thuộc về nhà trường, gia đình và xã hội", PGS.TS Vũ Xuân Đoàn - Nguyên Phó Chủ nhiệm khoa Quốc Tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (nay là Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định.

Clip dài hơn 4 phút ghi lại cảnh một giáo viên tại Trường THCS Văn Phú (Tuyên Quang) bị nhóm học sinh dồn vào góc tường rồi tấn công bằng dép, nói lời thô tục vẫn để lại nhiều đau xót với những người làm trong ngành giáo dục và cả xã hội.

Nhóm học sinh dồn cô giáo vào góc tường, ném dép, xúc phạm. Ảnh cắt từ clip

Hệ lụy khi gia đình bênh con quá mức, can thiệp cách dạy của thầy cô

Là người công tác trong ngành giáo dục với hơn 45 năm kinh nghiệm, PGS.TS Vũ Xuân Đoàn, gia đình cũng là yếu tố quan trọng hình thành nên tính cách, thái độ ứng xử của các em học sinh.

Từ bé ở gia đình, các con đã học cách xác định vị thế của bản thân, học cách tương tác với những người xung quanh và xã hội.

PGS.TS cho biết: "Bây giờ nhiều học trò có điều kiện, từ bé đã quen được khen và thường xuyên được khen, muốn gì được nấy. Khi đến lớp, giáo viên có yêu cầu khắt khe, phê bình không khéo là học trò phản ứng mạnh mẽ.

Có một số bậc phụ huynh bênh con mình quá mức, hoặc không có thời gian rèn luyện tính tự giác, tự chịu trách nhiệm và tuân thủ luật lệ cho con mình; có gì là đổ lỗi cho bên ngoài.

Hồi bé con có vấp phải cái ghế bị đau chân thì đánh cái ghế đã làm con đau. Khi đi học có chuyện gì là đổ lỗi cho nhà trường. Có những vụ phụ huynh xông vào trường đánh thầy cô, hoặc bắt thầy cô phải quỳ xuống xin lỗi, như ở Long An (2018) ảnh hưởng đến hình ảnh của giáo viên rất nhiều”.

PGS.TS Vũ Xuân Đoàn nhận định, phụ huynh nên biết rằng nếu giáo viên có uy tín trước học trò, có oai trước học trò thì con em mình mới muốn học hỏi từ giáo viên.

"Nếu học trò không yêu quý cô giáo, thậm chí coi khinh thì không thể học được gì, thiệt thòi là ở học trò. Giống như câu ca dao ngày xưa “Muốn con yêu chữ phải yêu lấy thầy”; giáo viên phải được tôn trọng, có uy tín thì mới mong con em mình học giỏi được" - PGS.TS Vũ Xuân Đoàn nói.

Trách nhiệm thuộc về ai?

PGS.TS Vũ Xuân Đoàn nhận định rằng có lỗi sai thuộc về các em học sinh.

Tuy nhiên, các em còn nhỏ (ở độ tuổi 11-12) nên trách nhiệm thuộc về môi trường giáo dục, trong đó có giáo viên, nhà trường, gia đình và xã hội.

PGS.TS Vũ Xuân Đoàn cho biết: "Từ xưa đến nay, tôi có xem và chứng kiến nhiều câu chuyện về trường hợp bạo lực học đường. Những trường hợp học sinh ngang ngạnh, cá biệt thì thời nào cũng có và ở nước nào cũng có. Tuy nhiên hiện tại, có thể các em học sinh mang phản ứng mạnh mẽ hơn ngày xưa vì chủ nghĩa cá nhân cao hơn.

Học trò cảm thấy cái tôi của bản thân quá mạnh, không theo chuẩn mực chung. Theo tôi, đây là quan niệm sai về dân chủ. Học sinh có quyền tự do phát biểu, nêu ý kiến, phản bác lại thầy cô… nhưng phải theo một nguyên tắc ứng xử lịch thiệp. Ở đâu cũng phải có trật tự trên dưới, nếu làm hỏng trật tự đó thì xã hội sẽ hỗn loạn".

PGS.TS Vũ Xuân Đoàn - Nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (nay là Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo PSG. TS Vũ Xuân Đoàn, nhà trường là môi trường cung cấp dịch vụ giáo dục và đào tạo con người và giáo viên là đại diện cho nhà trường tiếp xúc trực tiếp với học trò.

"Trong môi trường sư phạm, các giáo viên không chỉ được đào tạo về phương pháp giảng dạy, truyền đạt kiến thức mà còn được huấn luyện cách tương tác với học sinh, xử lý tình huống, ví dụ như cách ứng xử với học sinh cá biệt. Nhưng hành động trong clip của cô giáo không thể hiện điều đó.

Tôi hiểu trong môi trường giáo dục cũng có nhiều áp lực, bức xúc khiến giáo viên có thể không kiềm chế được và bộc phát. Nhất là trong trường hợp này cô giáo phải đối phó với các học trò đang ở lứa tuổi nổi loạn, từ 12 đến 15 tuổi, là lứa tuổi có sự tự tôn mạnh mẽ, trọng thể diện, càng bị thúc ép thì càng phản ứng tiêu cực.

Tuy nhiên, cũng như ở các ngành nghề khác, giáo viên cần tuân thủ tốt các quy định ở nơi làm việc, hành xử một cách chuyên nghiệp, phù hợp với tâm lý lứa tuổi của các học sinh mà mình chịu trách nhiệm quản lý và dạy dỗ.

Cũng nên xem nhà trường có tạo môi trường tốt cho người lao động - giáo viên hay không, không chỉ môi trường vật chất mà còn cả môi trường tinh thần", PGS.TS Vũ Xuân Đoàn đưa ý kiến.

Theo đó, nhà trường phải có biện pháp bảo vệ người lao động, giữ gìn hình ảnh của giáo viên trước mặt học trò.

Ngay cả khi giáo viên có vấn đề đời tư bị kỉ luật, nhà trường cũng nên giữ kín, để khi lên bục giảng, cô giáo là người tuyệt vời trước mắt học trò.

Giáo viên cũng phải làm sao thể hiện mình là người có tư cách tốt trong mắt học trò, và học trò được học tập trong môi trường được nâng niu, kính mến.

Việc giáo viên bị ám ảnh bởi phê bình nặng nề của phụ huynh hay hình ảnh bị lan truyền trên mạng xã hội sẽ gây cảm xúc tiêu cực, không những bất lợi cho cả giáo viên mà còn cả học trò.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn