MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hi hữu cặp đôi được tổ chức đám cưới ma sau khi tai nạn qua đời

Chí Long LDO | 19/06/2024 10:30

Sau khi cặp đôi qua đời vì tai nạn giao thông tại Malaysia, gia đình quyết định tổ chức "đám cưới ma" để tưởng nhớ và hoàn thành tâm nguyện của họ khi còn sống.

China Press (một tờ báo tiếng Trung tại Malaysia) đưa tin, nhân vật chính trong câu chuyện là Yang Jingshan (31 tuổi, người Trung Quốc), trọng tài quốc tế của Hiệp hội thể thao múa lân và rồng Malaysia. Bạn gái anh họ Li (32 tuổi), làm việc tại một nhà máy chế biến thực phẩm.

Cặp đôi yêu nhau được 3 năm và Yang dự định cầu hôn Li ở Thái Lan vào tháng 6. Thật không may, ngày 24.5, một tai nạn ô tô ở Perak (tây bắc Malaysia) đã cướp đi mạng sống của họ.

Sau vụ tai nạn, gia đình quyết định lên kế hoạch tổ chức một "đám cưới ma" để đảm bảo cặp đôi có thể đoàn tụ ở thế giới bên kia.

Cặp đôi Trung Quốc sống tại Malaysia được gia đình tổ chức đám cưới sau khi qua đời vì tai nạn. Ảnh: SCMP

Theo Sin Chew Daily, gia đình tỉ mỉ tạo ra những bức ảnh cưới cho cặp đôi nhờ kỹ thuật photoshop.

Ở Trung Quốc, thuật ngữ "minh hôn" thường dùng để ám chỉ việc tìm kiếm bạn đời cho những người đã khuất.

Tín ngưỡng truyền thống của người Trung Quốc cho rằng, nếu người chết không thực hiện được những tâm nguyện của mình, chẳng hạn như kết hôn, họ sẽ không tìm được sự bình yên ở thế giới bên kia và có thể quay trở lại ám ảnh người sống.

"Minh hôn" chia làm 2 hình thức. Một là cặp đôi chết trước hoặc sau khi đính hôn, gia đình sẽ tổ chức lễ cưới và chôn cất họ cùng nhau để hoàn thành tâm nguyện.

Trường hợp thứ 2 là người còn độc thân, được gia đình "sắp đặt" cho một mối hôn nhân sau khi qua đời. Khi tổ chức đám cưới, thi thể của họ sẽ được khai quật và chôn lại cùng nhau trong một ngôi mộ mới.

Huang Jingchun, một chuyên gia văn hóa dân gian Trung Quốc, nói với The Paper: “Ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc, 'minh hôn' cũng tồn tại ở nhiều nước Đông Á như Triều Tiên và Nhật Bản”.

Ông cho biết tục lệ này nhằm thỏa mãn nhu cầu tình cảm của người thân đang nhớ nhung con cháu, người đã khuất.

Huang nói: “Cho dù đó là vì mong muốn bù đắp cho người đã khuất hay vì lợi ích riêng của họ, những người thực sự tìm kiếm sự an ủi và giải tỏa khỏi lo lắng chính là người sống”.

Mặc dù bị chính phủ Trung Quốc cấm nhưng tập tục 3.000 năm tuổi này vẫn tồn tại ở những vùng sâu vùng xa, đặc biệt là ở miền bắc Trung Quốc. Thi thể và tro cốt của nhiều phụ nữ trẻ trở thành món hàng mua bán trong các cuộc "minh hôn".

Năm 2016, một người đàn ông ở tỉnh Cam Túc, phía tây bắc Trung Quốc đã sát hại hai phụ nữ mắc bệnh tâm thần, sau đó bán thi thể họ cho người có nhu cầu tổ chức "đám cưới ma". Sau khi bị phát giác, hắn ta đã bị kết án tử hình vào năm 2021.

Tháng 11.2021, tro cốt của một cô gái nổi tiếng ở tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) bị nhận viên nhà tang lễ đánh cắp và bán cho một gia đình người địa phương để tổ chức "minh hôn".

Theo The Beijing News, một tội ác như vậy có thể khiến thủ phạm kiếm được từ 50.000 - 70.000 NDT (7.000 - 10.000 USD). Hiện, chính quyền Trung Quốc vẫn đang nỗ lực ngăn chặn điều này. Bất cứ ai đánh cắp, hãm hiếp hoặc tiêu hủy thi thể đều có thể bị phạt tù tới ba năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn