MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ấn rồng phiên bản gốm Bát Tràng ra mắt dịp Tết 2024. Ảnh: Thu Thuỷ

Hình ảnh loài rồng trong nghệ thuật, văn hóa Việt

Thùy Trang - Thanh Hương LDO | 08/02/2024 07:00

Trong văn hóa, tín ngưỡng của người Việt, rồng là loài vật đóng vai trò đặc biệt.

Rồng xuất hiện rất sớm trong huyền thoại, truyền thuyết và quan niệm tâm linh của nhiều đất nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trong 12 con giáp, rồng là loài vật hư cấu duy nhất, là một sự sáng tạo nảy sinh trong trí tưởng tượng của con người.

Dù vậy, con rồng gắn bó mật thiết với văn hóa, tín ngưỡng của người dân Việt Nam.

Ngay trong truyền thuyết về nguồn gốc dân tộc, người Việt hãnh diện là "con Rồng cháu Tiên". Trong ngôn ngữ Việt Nam, hình tượng rồng được ghép với uy quyền của nhà vua, như áo bào của vua gọi là long bào, xe của vua là long giá, thân thể vua là long thể, thuyền rồng để vua du thủy, những mạch đất tốt uốn lượn gọi là long mạch.

Trong cái nhìn và quan niệm của văn hóa Việt Nam, rồng vừa mang màu sắc kỳ bí của huyền thoại vừa dân dã, gần gũi với người dân. Từ đó, ca dao tục ngữ có những câu "rồng bay phượng múa", "rồng đến nhà tôm", "vẽ rồng vẽ rắn", "ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo"...

Từ "long" có ý nghĩa chỉ con rồng còn được dùng để đặt tên cho nhiều địa danh gắn liền với lịch sử đất nước. Phía hữu ngạn sông Hồng có Long Biên; nội thành Hà Nội có Hàm Long; có Thăng Long để rồng bay lên thì cũng có bãi đáp Hạ Long để để rồng hạ cánh.

Ngoài ra, ở miền Bắc có các địa danh như vịnh Bái Tử Long (cung kính rồng), đảo Bạch Long Vĩ (rồng trắng), sông Cửu Long (chín rồng), sông Hoàng Long (rồng vàng). Khắp Việt Nam có nhiều địa danh mang tên rồng, như Thanh Hóa có núi Hàm Rồng; Quảng Bình có núi Thanh Long, Long Tị, Phúc Long; Bình Định có núi Hàm Long; Biên Hòa có núi Bửu Long, Long Ẩn...

Linh vật rồng được tạo hình công phu ở nhiều địa phương trước thềm năm mới Giáp Thìn. Ảnh: Hoài Luân

Trong y dược học Việt Nam, nhiều vị thuốc mang tên rồng như Ban long (rồng có đốm) được bào chế từ sừng hươu có đốm; Địa long (rồng đất) chữa cao huyết áp, nhức đầu, sốt rét; Long nhãn (mắt rồng) là vị thuốc chế từ cùi nhãn phơi sấy khô dùng chữa bệnh suy nhược thần kinh và mất ngũ.

Trong nghệ thuật trang trí, rồng xuất hiện trên mọi chất liệu, với cách thức thể hiện đa dạng, sinh động.

Việt Nam và nhiều quốc gia phương Đông có điệu múa rồng vào các ngày lễ Tết cổ truyền. Rồng mang màu sắc rực rỡ, uốn lượn theo nhịp trống rộn rã tạo không khí hội hè, biểu thị niềm vui sướng, hạnh phúc cho tất cả mọi người, cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu...

Rồng là nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, nhất là trong nghệ thuật tạo hình kiến trúc của người Việt. Ngay từ thời Lý, Trần, rồng đã được đặt ở những vị trí trang trọng nhất ở các công trình nghệ thuật, như trên bệ tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích , ở tháp Chương Sơn, chùa Phổ Minh.

Thoát ra khỏi khuôn khổ cung đình, hình tượng rồng lấy chủ đề là những câu chuyện trong dân gian để thể hiện. Chạm trổ rồng trên hệ thống cột, vì kèo, hoành phi, cửa tam bảo, cửa võng ở đình, chùa, đền khá phổ biến.

Không khó để tìm thấy các trang trí hình rồng trên các đầu bẩy, câu đầu, cốn, mái đình ở các ngôi đình như Phong Cốc, Trung Bản, Lưu Khê (Quảng Yên), Quan Lạn (Vân Đồn), Trà Cổ (Móng Cái)… Tại các bức cốn của đình Lưu Khê có hoạ tiết truyền thuyết cá chép hoá rồng rất sinh động.

Trong quan niệm của người Việt, rồng được coi là biểu tượng tâm hồn, tình cảm, sức mạnh, sự phồn vinh của dân tộc, cộng đồng, xã hội, con người với ước vọng mưa thuận gió hoà để đủ nước để trồng cấy lúa nước.

Rồng ngày nay không còn là biểu tượng của quyền uy sức mạnh nhưng vẫn tồn tại trong tín ngưỡng. Nhiều người vẫn chọn giờ thìn xuất hành. Rất nhiều cặp vợ chồng vẫn muốn sinh con năm rồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn