MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngày nay, nhiều cặp đôi có xu hướng tổ chức đám cưới tại nhà hàng để tiết kiệm thời gian, công sức. Ảnh: Xinhua

Kế hoạch chi tiết cho các cặp đôi tổ chức lễ cưới

Huyền Chi LDO | 26/09/2023 07:57

Khối lượng công việc cần chuẩn bị cho đám cưới khá nhiều, các cặp đôi và gia đình cần sắp xếp và thực hiện từ sớm.

Mùa thu là thời điểm nhiều cặp đôi chọn để tổ chức hôn lễ do thời tiết mát mẻ, thuận lợi. Trên mạng xã hội, nhiều cô dâu chú rể tiết lộ họ mất nhiều tháng, thậm chí cả năm để chuẩn bị cho ngày trọng đại.

Các gia đình có thể tham khảo danh sách công việc dưới đây để chuẩn bị cho lễ cưới chỉn chu, trọn vẹn.

Lên dự trù kinh phí, tìm hiểu dịch vụ cưới hỏi

Sau khi 2 gia đình gặp mặt nhau để định ngày cưới, cô dâu và chú rể cần lên kế hoạch và dự trù kinh phí để có sự chuẩn bị về tài chính. Bước này có thể được cặp đôi ước lượng, lo liệu từ sớm để có thể hình dung được quy mô và mức đầu tư cho lễ cưới.

Bên cạnh đó, cả hai cũng nên cùng gia đình ước tính số khách mời, dự trù số lượng cỗ cưới sau đó tìm hiểu nhà hàng hoặc các đơn vị cung cấp dịch vụ đãi tiệc.

Chụp ảnh cưới

Các cặp đôi nên tìm hiểu và cân nhắc lựa chọn các studio chụp ảnh cưới, chụp ảnh tiệc cưới, phóng sự cưới trước 2 tháng hoặc lâu hơn. Việc này giúp đám cưới được diễn ra thuận lợi, lưu giữ được những khoảnh khắc đáng nhớ trong ngày trọng đại của các cặp vợ chồng.

Sau đó, cô dâu chú rể nên chụp ảnh cưới càng sớm càng tốt để có thể chọn lọc, chỉnh sửa, làm khung ảnh cưới, tiện cho công đoạn in ấn, treo ảnh, làm thiệp cưới.

In thiệp cưới

Hiện tại, dịch vụ in thiệp cưới đã trở nên phổ biến, có nhiều mẫu mã, hình thức đa dạng. Các cặp đôi có thể tặng khách mời những món quà nhỏ kèm thiệp cưới như hoa khô, nến thơm, nước hoa...

Tìm nơi tuần trăng mật

Các cặp đôi có thể tham khảo các địa điểm tuần trăng mật để có kế hoạch như đi trong mấy ngày, kinh phí như thế nào, du lịch khu vực nào...

Chuẩn bị váy cưới, chọn đội ngũ trang điểm

Để có diện mạo xinh đẹp trong ngày cưới, cô dâu và chú rể nên dành thời gian thử váy cưới, âu phục trước 1-2 tháng. Thậm chí, với những cặp đôi muốn mặc trang phục cưới thiết kế riêng, họ có thể dành cả năm để lên ý tưởng, đặt may và chỉnh sửa.

Một công việc khác mà cô dâu nên lưu ý là trang điểm thử trước lễ cưới để có được một lớp make up ưng ý, phù hợp với đường nét gương mặt và sở thích của bản thân. Không ít cô dâu đã phải ngậm ngùi vì bị lớp trang điểm "dìm" nhan sắc.

Chuẩn bị cho tiệc cưới

Trước thềm đám cưới, cô dâu chú rể và 2 bên gia đình cần thực hiện nhiều công việc như chọn thực đơn tiệc cưới, thiết kế và in phông nền đặt tại đám cưới, trang trí tiệc, chuẩn bị cổng hoa và ảnh cưới, tìm nhạc phát trong đám cưới...

Lễ dạm ngõ (chạm ngõ)

Lễ dạm ngõ là nghi lễ khởi đầu cho một loạt các nghi thức hôn nhân sau đó nên đây là nghi lễ quan trọng không thể bỏ qua trong các đám cưới truyền thống của người miền Bắc. Vì vậy, trước khi làm lễ chạm ngõ, nhà trai cũng phải chọn ngày đẹp để đến gặp gia đình nhà gái để “vạn sự khởi đầu nan” suôn sẻ thì mọi việc tiếp theo mới trọn vẹn.

Lễ vật trong ngày dạm ngõ đơn giản chỉ gồm chục trầu cau, chè, thuốc và bánh kẹo với số lượng chẵn.

Lễ ăn hỏi

Sau lễ chạm ngõ là đến lễ ăn hỏi. Đây là sự thông báo chính thức về việc hứa gả con cái giữa hai họ. Trong lễ ăn hỏi, các thủ tục: ăn hỏi, xin cưới và nạp tài được gộp luôn trong ngày này.

Tráp ăn hỏi có thể gồm 5, 7, 9 hoặc 11 tráp nhưng phải là số lẻ và lễ vật trong các tráp phải là bội số của 2. Đồ lễ ăn hỏi không thể thiếu là bánh cốm, bánh su sê, mứt sen, chè, rượu, trầu cau, thuốc lá... và có thêm xôi, lợn quay.

Ngày cưới

Trong ngày giờ đẹp đã được chọn sẵn, chú rể sẽ cùng bố và đại diện nhà trai tới nhà gái, mang theo xe hoa, hoa cưới để đón cô dâu về nhà. Cô dâu chú rể làm lễ gia tiên tại nhà gái.

Sau cùng nhà trai xin phép được đưa cô dâu mới về nhà chồng. Khi cô dâu về nhà chồng, lễ gia tiên cũng được thực hiện ở nhà trai. Sau đó, lễ cưới sẽ được tổ chức tại nhà trai

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn