MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mâm ngũ quả miền Bắc. Ảnh: Bích Nhung

Khám phá ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết của 3 miền

Bích Nhung LDO | 28/01/2024 08:17

Mâm ngũ quả thường được bày biện trong ngày Tết Nguyên đán của người Việt. Mâm ngũ quả thường được trưng, bày trên bàn thờ tổ tiên hoặc trên bàn tiếp khách, những loại trái cây này thường để thể hiện ước nguyện của gia chủ thông qua tên gọi và màu sắc cũng như cách sắp xếp.

Mỗi miền, mâm ngũ quả lại được trang trí khác nhau với nhiều ý nghĩa thú vị.

Mâm ngũ quả miền Bắc

Đối với người dân miền Bắc, một mâm ngũ quả đẹp, đúng chuẩn phải đầy đủ các loại trái cây thường có là chuối xanh, bưởi, phật thủ, sung, hồng, quất cảnh, ớt, dứa… với màu sắc rực rỡ nhưng phải hài hòa, đảm bảo đúng theo ngũ hành ''kim-trắng, mộc-xanh, thủy-đen, hỏa-đỏ, thổ-vàng''.

Chuối trong mâm ngũ quả được bày theo nải phải là chuối xanh, tượng trưng cho sự quần tụ, sum vầy, đầm ấm. Bưởi có màu vàng tượng trưng cho sự giàu sang, may mắn. Cũng có một số gia đình thay bằng quả phật thủ.

Quả quất cảnh, quả hồng hay ớt đỏ được tô điểm xung quanh mâm ngũ quả vì có màu đỏ, vàng rực rỡ, vô cùng đẹp mắt, biểu tượng cho sự may mắn và thành đạt. Còn quả dứa có mùi thơm đặc trưng thể hiện mong ước về một năm mới an lành và nhiều phúc lộc.

Người miền Bắc thường bày mâm ngũ quả kiểu truyền thống là đặt nải chuối xanh ở dưới cùng để đỡ lấy toàn bộ các loại quả còn lại, chính giữa đặt bưởi, phật thủ hoặc là mãng cầu, cùng các loại quả khác nhau như quả đào, hồng, quýt, táo thì đặt ở xung quanh, ở chỗ trống thì có thể xen kẽ ớt và quất.

Mâm ngũ quả miền Trung

Mâm ngũ quả miền Trung cơ bản đơn giản, tùy tâm. Ảnh sưu tầm

Miền Trung thường gặp thiên tai, bão lũ, hạn hán quanh năm nên đất đai cũng không được màu mỡ, ít trái cây. Vì vậy mâm ngũ quả ngày tết đơn giản, không câu nệ hình thức, chủ yếu là có gì cúng nấy, thành tâm dâng cúng tổ tiên là được.

Cũng vì vậy, mâm ngũ quả mỗi nhà lại khác nhau, thường có các loại quả như thanh long, chuối, dưa hấu, mãng cầu, dứa, sung, cam, quýt… Mỗi gia đình sẽ có một cách bày mâm ngũ quả riêng biệt, miễn là tươi ngon để dâng lên tổ tiên tấm lòng của mình.

Mâm ngũ quả miền Trung có sự ảnh hưởng bởi nền văn hóa của hai miền Bắc, Nam. Nên cách trình bày mâm ngũ quả theo phong thủy vẫn luôn được người dân thực hiện theo ngũ hành: Phú - Quý - Thọ - Khang - Ninh. Những quả to, nặng sẽ được đặt ở dưới và quả nhỏ sẽ được bày ở trên sao cho cân đối và vững chắc nhất là được.

Một số gia đình còn thường bày hoa quả ngày tết theo mâm ngũ quả "(mãng) cầu - dừa - đủ - xoài" (cầu vừa đủ xài) theo quan niệm người dân miền Nam với một hy vọng một năm mới đầy đủ, ấm no hạnh phúc hơn năm cũ.

Mâm ngũ quả miền Nam

Các loại quả trên mâm ngũ quả miền Nam đều là đặc sản nơi đây. Ảnh: T.L

Miền Nam là vựa của các loại quả. Vì vậy tùy thuộc vào sự khéo léo, mà mỗi gia đình sẽ có sự trang trí khác nhau. Để bày quả ngày tết, thì người miền Nam sẽ không chú trọng trong việc lựa chọn số lượng hoa quả. Chủ yếu họ quan tâm đến ý nghĩa từng loại quả, nhằm thể hiện lòng biết ơn và cầu mong những điều tốt lành sẽ đến với gia đình trong năm mới.

Mâm ngũ quả miền Nam gồm những loại quả như mãng cầu với ý nghĩa cầu chúc những điều tốt đẹp, bình an, sức khỏe và tài lộc. Quả xoài đối với người dân miền Nam, họ có cách phát âm từ "xoài" giống như từ ''xài'', vậy nên loại quả này chứa đựng mong muốn có của ăn của để, tiêu xài mà không lo lắng nhiều.

Quả đu đủ loại này chỉ nghe tên thôi cũng đã thấy được hết mong ước của người miền Nam, về một năm mới đầy đủ, không thiếu thốn vật chất. Quả sung là một loại quả mọc thành từng chùm sát nhau, tượng trưng cho sự gắn kết và thịnh vượng cho gia đình. Quả dừa thể hiện mong muốn một cuộc sống đầy đủ, viên mãn. Quả lựu có nhiều hạt, tượng trưng như ước nguyện và mong muốn cho con đàn cháu đống.

Với miền Bắc, chuối là một loại quả không thể thiếu thì miền Nam lại kiêng kỵ. Bởi vì loại quả này lúc đọc theo âm ngữ miền Nam nghe sẽ đồng âm với từ ''chúi'' biểu hiện sự khó khăn. Ngoài ra, quả cam và quả quýt cũng rất ít xuất hiện trên mâm ngũ quả do bắt nguồn từ câu ''quýt làm, cam chịu'' hoặc quả lê vì tương đồng với từ ''lê lết''.

Việc bày mâm ngũ quả ngày tết miền Nam khá đơn giản, những quả to và xanh thường sẽ được để ở phía dưới và hướng lên trên. Sau đó, lần lượt xếp xung quanh những loại quả nhỏ hơn để tạo thành hình tòa tháp. Ngoài ra, có thể thêm 2 hoặc 3 quả dứa vào để mâm ngũ quả được chắc chắn hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn