MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa: Kim Oanh.

Làm gì để bảo vệ trẻ em bị bạo hành tại nhà?

LÊ NGỌC - KIM OANH LDO | 14/12/2021 09:00

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khi trẻ nhỏ phải ở nhà luôn tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm. Vậy cần làm gì để bảo vệ trẻ trong chính ngôi nhà mình? 

Rủi ro rình rập trẻ ngay trong nhà

Từ ngày 6.12, một số trường THPT và THCS đã có thể đón học sinh đi học trở lại, tại những địa phương có mức độ dịch cấp 1, 2. Thế nhưng, tình hình dịch bệnh phức tạp khiến số học sinh đi học trở lại tương đối ít. 

Đối với nhóm học sinh nhỏ tuổi hơn, các em phải ở nhà và học online. Những vụ việc học sinh tử vong do sự cố điện tại nhà đã khiến các trường học phải ra thông báo khẩn tới giáo viên, phụ huynh về nguy cơ mất an toàn khi trẻ ở nhà. 

Dịch bệnh COVID-19 khiến cuộc sống đảo lộn, việc giãn cách xã hội trong thời gian dài khiến nhiều người mất việc làm, giảm thu nhập, tâm lý dễ nảy sinh tiêu cực.

Không ít vụ việc vì tức giận mà phụ huynh dùng đòn roi đánh con, hay tệ hơn là bạo hành thể chất, tinh thần... để lại hậu quả là nỗi đau lòng, ân hận mãi về sau của những người làm cha mẹ. 

Gần đây nhất, em L.T.T.V (3 tuổi - huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) chỉ vì đi vệ sinh không đúng chỗ mà bị cha dượng bạo hành dã man dẫn đến tử vong. Ngày 16.9, nhiều người rất bàng hoàng khi biết tin một em nhỏ 6 tuổi ở phường Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) ra đi thương tâm, nguyên nhân cũng do bị bố đánh đập trong lúc mất kiềm chế.

Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ tâm lý Hà Bình Hòa, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: Áp lực học tập, sự thiếu thốn nơi vui chơi, tương tác với bạn bè khiến trẻ có tâm lý thu mình lại, ngại giao tiếp với bố mẹ. Mặt khác, người lớn vì gánh nặng kinh tế nên cũng dễ nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực, có xu hướng trút giận lên trẻ nhỏ.

“Trước tiên, bố mẹ phải chủ động tạo không gian học tập tối ưu, đồng thời đều đặn dành thời gian kết nối với con bằng các hoạt động giải trí, nấu ăn... Phụ huynh nên duy trì lịch sinh hoạt và làm gương để xây dựng thói quen tốt cho con em mình. Sự chia sẻ thẳng thắn giữa cha mẹ và con cái là vô cùng quan trọng, góp phần giáo dục trẻ có tính tự lập cũng như khả năng xử lý, giải quyết vấn đề sau này", bà Hòa nhấn mạnh.

Đối với việc học trực tuyến, người lớn vẫn cần trao quyền sử dụng internet cho con nhưng phải có sự giám sát, quản lý cũng như định hướng phù hợp. Bởi giai đoạn này, nếu thiếu sự đồng hành của phụ huynh thì việc học sẽ trở nên kém hiệu quả, bên cạnh những mối nguy khác nếu trẻ lỡ truy cập vào những website độc hại hoặc sự cố điện... Ngoài ra, tình trạng bạo hành trẻ em sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, tâm lý các em trong tương lai. Vì thế phải ngăn chặn những trường hợp bạo hành dưới mọi hình thức.

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, gia đình - nhà trường - xã hội cần tăng cường hơn nữa các biện pháp đảm bảo an toàn, giáo dục cho các em kỹ năng sống. Để trẻ em nhận biết và ứng phó với những tình huống nguy hiểm, rủi ro.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn