MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Làm gì khi con bị điểm kém, trượt thi?

Lan Anh LDO | 05/07/2022 16:21
Trong rất đông phụ huynh chúng ta cũng từng trải qua thời đi học bị điểm kém, trượt thi, bị ám ảnh trong cả giấc mơ khi điểm thi không được như gia đình kỳ vọng.

Đối diện với việc con học kém, bị điểm kém, thi trượt... là một áp lực của phụ huynh. Khi đó, mỗi phụ huynh sẽ phải đối diện với sự lo lắng, buồn bã, đối diện với sự thất vọng lớn. Trong nỗi buồn, nỗi thất vọng còn có cả sự bất lực, không biết sẽ phải làm gì với tương lai của con.

Tuy nhiên, đừng quên rằng, rất đông phụ huynh chúng ta cũng từng trải qua thời đi học, chúng ta cũng từng bị điểm kém, bị trượt thi, thậm chí đã “ám ảnh” vì không thể có được điểm số như gia đình kỳ vọng. Khi đã đi qua tất cả cung bậc cảm xúc đó, phụ huynh hãy đặt mình trong vị trí của con để hiểu rằng, con cũng đang trải qua những cảm xúc không dễ dàng.

Không nên đổ lỗi cho con

Khi nhìn điểm số “gây thất vọng” của con, nhiều phụ huynh sẽ chọn cách mắng nhiếc, chì chiết, đổ lỗi cho con. Lý giải cho việc bị điểm kém sẽ do “con lười học”, “con chểnh mảng học hành”, “con không tập trung”, “ham vui bạn bè cho lắm vào”, “con học dốt”... Việc đổ lỗi cho con sẽ khiến đứa trẻ càng cảm thấy nặng nề, chán nản với kết quả học tập.

Kết quả đã có, điểm số bây giờ là việc đã xảy ra, không thể thay đổi. Theo các chuyên gia giáo dục, thay vì đổ lỗi cho con để không khí nặng nề, thậm chí tạo khoảng cách giữa con cái và phụ huynh, bố mẹ nên chọn cách trò chuyện phù hợp để động viên, khích lệ con vượt qua chuyện đáng tiếc này, và nỗ lực cố gắng thay đổi kết quả học tập trong tương lai.

Với những đứa trẻ, việc nói những câu chuyện khơi gợi về niềm tin, về tương lai rất quan trọng. Bố mẹ không nên cho con thấy sai lầm, thất bại là thứ ghê gớm, khủng khiếp, là dấu chấm hết cho tất cả.

Việc nhiếc móc đứa trẻ về một chuyện đã xảy ra là hoàn toàn vô nghĩa, việc tiếp cho đứa trẻ sức mạnh để đứng dậy từ sai lầm, thất bại mới là điều quan trọng.

Bố mẹ ở độ tuổi trưởng thành đã đi qua đủ sóng gió, sai lầm và cả những thất bại trong đời, nhưng vẫn đứng dậy bước tiếp. Hãy cho con thấy chính câu chuyện vượt qua thất bại, sai lầm của bạn, để tiếp thêm cho con niềm tin rằng, chỉ cần đủ sức mạnh, đủ vững vàng, đủ nỗ lực, con sẽ vẫn thay đổi được, vẫn làm nên những kỳ tích khác.

Hãy trò chuyện chân thành để con bạn thấy rằng, tương lai vẫn rộng mở phía trước nếu con không nản chí và tiếp tục cố gắng.

Không so sánh con và bạn bè đạt điểm cao

Giới chuyên gia giáo dục từng nhiều lần cảnh báo các phụ huynh những tác hại khôn lường của việc so sánh con mình với “con nhà người ta”, nhưng nhiều phụ huynh vẫn làm điều này, nhất là trong thời điểm xem điểm số hay nhận kết quả thi trượt của con.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng, và việc so sánh mình với người khác, con mình với con nhà người khác là hoàn toàn vô nghĩa. Việc so sánh 2 con người với 2 cá tính, 2 hoàn cảnh, 2 năng lực, 2 thế mạnh khác nhau là không cần thiết, và không giải quyết được bất cứ chuyện gì, còn là cách thức giao tiếp phi giáo dục.

Khi so sánh con mình với con người khác là phụ huynh đã “xóa sổ” giá trị, năng lực, thế mạnh của chính con mình. Mỗi đứa trẻ đều có niềm tự hào, kiêu hãnh, sự tự tôn riêng.

Thay vì so sánh, hãy nhìn vào thực lực của con, nhìn rõ thế mạnh, sở thích, sự đặc biệt riêng của con mình và động viên, giúp con phát huy.

Theo SCMP, bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thế mạnh riêng ở một lĩnh vực nào đó. Nếu “con nhà người ta” giỏi toán lý, con nhà mình sẽ giỏi ở một tố chất đặc biệt không trùng lắp với ai, điều quan trọng nhất là phụ huynh phải tìm ra điều đó.

Hãy hiểu rằng, không có công thức thành công, hạnh phúc chung cho mọi đứa trẻ. Không phải ai lớn lên cũng cần phải học giỏi, đỗ đạt cao ở các kỳ thi, mới có được thành công, hạnh phúc.

Sự thất bại hôm nay chỉ là khởi đầu cho sự nỗ lực mới, hoài bão mới, trên con đường mới, mà phụ huynh cần đồng hành cùng con.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn