MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Làm thế nào để đối phó với đứa trẻ hay mè nheo, nghịch ngợm?

Phương Minh (Theo Healthline) LDO | 15/10/2021 16:30

Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy bối rối khi phải giải quyết những cơn giận dữ, mè nheo của trẻ. Vậy trong tình huống này, phụ huynh nên làm gì để đối phó với những đứa trẻ này.

Hãy tưởng tượng, bạn đang ở nhà và đang làm việc. Con gái 2 tuổi đưa cho bạn cuốn sách yêu thích và muốn bạn đọc cho chúng nghe. Bạn nói với con rằng, không thể đáp ứng ngay lúc này và sẽ đọc sách cho con nghe sau một giờ nữa.

Lúc này, đứa trẻ bắt đầu bĩu môi, tiếp theo là khóc không ngừng. Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy bối rối khi phải giải quyết những cơn giận dữ, mè nheo của trẻ. Vậy trong tình huống này, phụ huynh nên làm gì?

Làm lơ trẻ

Điều này có vẻ khắc nghiệt, nhưng một trong những cách chính để đối phó với cơn giận dữ của trẻ là không tham gia vào cơn khóc của chúng.

Trẻ 2 tuổi thường không cố ý nổi cơn khóc, tức giận, đa phần chúng chỉ muốn thu hút sự chú ý của cha mẹ. Bạn có thể nói một cách nghiêm khắc nhưng bình tĩnh rằng, con cần phải nói lên những gì con muốn.

Trẻ có thể không có đầy đủ từ vựng để nói với bạn, ngay cả khi con biết từ đó, vì vậy hãy khuyến khích con bằng cách khác. Bạn hãy tìm cách khác để giao tiếp với con, điều này có thể giúp con quên đi sự bộc phát và giúp bạn xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn với con mình.

Bỏ đi chỗ khác

Nếu bạn cảm thấy bản thân đang tức giận khi con khóc, hãy bỏ đi nơi khác và hít thở.

Hãy nhớ rằng, con bạn không xấu hoặc cố gắng làm bạn khó chịu. Thay vào đó, chúng đang buồn bã và không thể bày tỏ cảm xúc của mình theo cách mà người lớn có thể làm. Một khi bạn bình tĩnh, bạn sẽ có thể kỷ luật con theo cách không có hại.

Chuyển hướng sự chú ý của con

Bạn hãy gọi tên con để thu hút sự chú ý của chúng. Điều này cũng có hiệu quả trước khi cơn giận dữ của con bắt đầu. Nó khiến trẻ phân tâm khỏi những gì chúng đang cảm thấy khó chịu.

Hãy suy nghĩ như đứa trẻ mới biết đi

Bạn sẽ dễ trở nên khó chịu khi con nghịch ngợm. Hôm nay, con vẽ lên khắp các tường bằng bút chì màu. Hôm qua lật tung đồ đạc trong nhà.

Nhưng hãy thử và suy nghĩ như đứa con nhỏ của bạn. Chúng coi những hoạt động này thú vị và đó là điều bình thường! Con đang học hỏi và khám phá những gì xung quanh.

Lúc này, bạn đừng yêu cầu con phải tạm dừng hoạt động đó ngay, thay vào đó, bạn hãy tham gia và hướng dẫn con theo cách khác. Ví dụ, bạn hãy bắt đầu tô màu lên tờ giấy trắng và chỉ con làm theo.

Để con chờ đợi

Nếu con vẫn tiếp tục hành vi tiêu cực, bạn có thể để chúng chờ đợi. Hãy chọn một vị trí nhàm chán, như ở ghế hoặc sàn hành lang. Cho trẻ ngồi vào chỗ đó và đợi chúng bình tĩnh lại.

Thời gian chờ phải tương ứng với số tuổi của con. Ví dụ: trẻ 2 tuổi nên chờ trong hai phút và trẻ 3 tuổi là ba phút. Đừng trả lời bất cứ điều gì con nói hoặc làm cho đến khi hết thời gian chờ. Khi con bạn đã bình tĩnh, hãy giải thích cho con lý do tại sao bạn đưa con vào thời gian chờ đợi và giải thích hành vi của con là sai.

Không nên đánh hoặc sử dụng các phương pháp kiểm soát bằng đòn roi để kỷ luật con bạn. Những phương pháp như vậy làm tổn thương con.

Kỷ luật với đứa trẻ mới biết đi đòi hỏi bạn phải cân bằng giữa sự nghiêm khắc và sự cảm thông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn