MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cha mẹ nên là người đồng hành cùng con trong giai đoạn khủng hoảng tâm sinh lý tuổi dậy thì. Ảnh: AFP

Làm thế nào giúp con tuổi dậy thì vượt qua khủng hoảng tâm lý?

Phương Linh LDO | 30/10/2021 09:30
Cha mẹ là người đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm sinh lý của con tuổi dậy thì, theo nhận định của các chuyên gia tư vấn về thanh thiếu niên.

Chuyên gia tư vấn kể lại trường hợp một đứa trẻ 13 tuổi đang vui vẻ và yêu đời lại trở nên thu mình khi gặp khó khăn ở trường cấp 2. Em thường có tâm trạng thất thường, trốn trong phòng và không muốn ra ngoài. Cha mẹ em nhìn thấy như vậy thì rất lo lắng nhưng không biết làm cách nào để giải quyết tình hình.

Chấp nhận rằng con cái đang vật lộn với vấn đề thay đổi tâm sinh lý khi dậy thì là một thách thức không nhỏ. Để đối phó, một số bậc cha mẹ đứng trước sự lựa chọn sống còn: Coi thường hoặc bác bỏ vấn đề, phủ nhận, đổ lỗi hay cố gắng tìm hiểu lý do để giải quyết tường tận.

Cha mẹ nên giúp đỡ con như thế nào?

Cách cha mẹ giúp con giải quyết vấn đề có thể tạo ra sự khác biệt. Trước tiên, hãy cố gắng tạo ra một không gian an toàn để con bạn có thể chia sẻ hết những điều chúng đang trải qua.

Cha mẹ chỉ nên lắng nghe và không vội đưa ra lời khuyên vào lúc này. Đôi khi thanh thiếu niên gặp khó khăn để nói rõ cảm xúc của mình nên cha mẹ hãy nói điều gì đó để động viên như: “Con trông có vẻ không ổn. Điều gì đang làm con buồn?”.

Hoặc một số câu gợi mở kiểu như: “Có vẻ con thực sự khó giải quyết vấn đề này”.

Thứ hai, hãy cho con biết biết bạn luôn ở bên cạnh và hỏi xem cha mẹ có thể hỗ trợ con như thế nào. Cha mẹ tuyệt đối không được đưa cảm xúc của bản thân vào việc chăm sóc con. Sẽ phản tác dụng nếu cha mẹ nói với trẻ những câu như: “Căng thẳng gì? Con có biết cuộc sống của con tốt như thế nào  không? Con không nghĩ rằng cha mẹ cũng đang căng thẳng?”

Ở lứa tuổi của trẻ, chúng vẫn đang tìm hiểu mọi thứ và có thể cần một người bạn đồng hành không phán xét hơn là một người thuyết giảng về những gì chúng nên làm và phải làm.

 Đôi khi cha mẹ cần tới sự trợ giúp của chuyên gia. Ảnh: AFP

Cuối cùng, cha mẹ hãy can đảm chấp nhận rằng có thể phải nhờ đến sự giúp đỡ của chuyên gia tư vấn để giúp giải tỏa khó khăn tâm lý của con. Nếu cha mẹ cởi mở để con mình nói chuyện với một chuyên gia tư vấn, một người lớn đáng tin cậy khác hoặc một chuyên gia sức khỏe tâm thần, chính bản thân cha mẹ cũng có thể tự giảm bớt áp lực.

Sức khỏe tinh thần, giống như sức khỏe thể chất, cần được chăm sóc và nuôi dưỡng hàng ngày. Nên chú ý các dấu hiệu và có biện pháp ngăn chặn trước khi vấn đề bùng phát nghiêm trọng hơn.

Đối với cả trẻ em và cha mẹ, việc đầu tiên phải thực hiện càng sớm càng tốt là thường xuyên trò chuyện với thái độ tôn trọng lẫn nhau. Khi đó, sức khỏe tinh thần của cả hai bên sẽ tốt hơn và thậm chí sẽ giải quyết được triệt để vấn đề.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn