MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lưu ý khi cha mẹ cho trẻ ăn dặm. Đồ họa: Thanh Thanh

Lưu ý khi cha mẹ cho trẻ ăn dặm

Thanh Thanh LDO | 16/10/2023 23:00

Cha mẹ cần khuyến khích, động viên, hỗ trợ, tạo không khí vui tươi cho bữa ăn nhằm giúp trẻ tạo lập thói quen ăn uống lành mạnh và khoa học.

Bác sĩ Đào Thị Cẩm Thùy - Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho hay: 1.000 ngày đầu đời được coi là quãng thời gian vàng, bắt đầu từ khi thai nhi hình thành cho đến khi trẻ đạt đủ 2 tuổi - quyết định lớn đến sự phát triển của trẻ. Do đó, ăn dặm (ăn bổ sung) là điều quan trọng góp phần xây dựng nền tảng dinh dưỡng, tầm vóc cho trẻ.

Theo đó, lúc bắt đầu tập ăn, cha mẹ nên cho trẻ ăn từng loại thực phẩm riêng biệt và gần giống với loại sữa mà trẻ đang uống.

Trong giai đoạn này, cho trẻ làm quen với thức ăn sệt, loãng như các loại bột dinh dưỡng, theo nguyên tắc lượng ít, đơn giản, bổ sung từng loại thực phẩm. Đồng thời, theo dõi tình trạng dung nạp, tiếp nhận của trẻ để điều chỉnh.

Ngoài ra, xây dựng kết cấu thực phẩm phù hợp theo tháng tuổi, để trẻ phát triển các cơ nhai, cơ hàm. Ban đầu có thể bổ sung bột gạo dinh dưỡng (bột gạo sữa chế biến sẵn đóng gói) dạng mịn, đợi đến khi trẻ ăn tăng dần với số lượng nhiều hơn.

Sau đó, bổ sung thêm các loại thịt cá, các loại rau giàu vitamin bằm nhuyễn và tăng dần kích thước, tăng dần độ thô để trẻ phát triển cơ hàm, hoạt động nhai nuốt hiệu quả. Đồng thời, tạo sự thích thú của trẻ đối với bữa ăn.

Việc đa dạng thực phẩm trong bữa ăn đóng vai trò quan trọng giúp trẻ phòng tránh suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng. Các loại thực phẩm khác nhau sẽ có mùi vị, hàm lượng chất dinh dưỡng đa dạng, nâng cao khả năng giúp trẻ đạt chế độ dinh dưỡng cân bằng.

Cha mẹ cần đảm bảo đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết gồm tinh bột (gạo, ngô,…), chất đạm (trứng, sữa, thịt, cá,…), chất béo (lạc, vừng, mỡ động vật,…), chất xơ, vitamin và khoáng chất (các loại trái cây, rau củ quả tươi,…).

Lưu ý rằng cha mẹ không nên lấy lượng thức ăn của trẻ khác làm cơ sở tiêu chuẩn cho trẻ, ép buộc trẻ ăn thật nhiều. Khi trẻ có một chế độ dinh dưỡng cân bằng, phát triển theo biểu đồ tăng trưởng sẽ chứng tỏ trẻ tăng trưởng bình thường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn