MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bài hát "Đến giờ cơm" gây xúc động mạnh, được khắc họa bằng những nét vẽ. Ảnh: Binhlum

Lý do khiến chúng ta có thể khóc, cười trước một mâm cơm tối

Nhạc sĩ Minh Cà Ri LDO | 28/06/2023 06:39
Nhạc sĩ Minh Cà Ri - tác giả của ca khúc "Đến giờ cơm" từng khiến bao khán giả bật khóc - đã gửi đến báo Lao Động những dòng viết của anh về bữa cơm tối thiêng liêng bên gia đình, sau một ngày làm việc vất vả. 

Hôm qua, thấy bố mẹ tìm nghe lại "Đến giờ cơm" – ca khúc của tôi từng được rất nhiều khán thính giả đón nhận khoảng cuối năm 2022 vừa rồi, trong lòng tôi vẫn còn nhiều cảm xúc.

Vẫn những ca từ ấy, qua giọng hát truyền cảm của ca sĩ Ái Phương tại làng ngư Mỹ Thạnh, hình ảnh bữa cơm gia đình của hai chị em sau đại dịch COVID-19 một lần nữa hiện lên trong tâm trí tôi.

Mới chỉ vài tháng trước, lần được nghe Ái Phương hát live ca khúc này, tôi đã rơi nước mắt.

Đối với tôi, bữa cơm gia đình là hình ảnh thiêng liêng nhất giữa những hoạt động bình dị thường ngày.

Khi những người thân thương trở về từ guồng quay hối hả của cuộc sống, họ để lại cơn bão phía bên kia cánh cửa, cùng quây quần bên nhau và kể cho nhau nghe về một ngày dài đã trôi qua.

Thậm chí đối với một vài gia đình, tất cả thời gian dành cho nhau chỉ vỏn vẹn trong vòng nửa tiếng dùng bữa với nhau - sau khi con cái đã trở về từ trường lớp và trước khi bố mẹ bước vào giờ tăng ca. 

Trong bài hát "Đến giờ cơm", dù đã đến khoảnh khắc sum vầy trong ngày rồi nhưng các thành viên cũng không thể cùng nhau ngồi lại đầy đủ được nữa.

Đó cũng là dụng ý của tôi khi chọn hình ảnh bữa cơm gia đình để nêu bật lên sự tương phản giữa hình dung của thính giả và hiện thực của câu chuyện.

Nhạc sĩ Minh Cà Ri, ca sĩ Ái Phương cùng các nhân vật trong phóng sự tại Gala cặp lá yêu thương 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tôi tin rằng nhiều người trong số chúng ta cũng đã từng có khoảng thời gian không chú trọng đến việc đoàn tụ với gia đình trong một bữa cơm tối.

Phần vì công việc, cuộc sống không cho phép, phần vì bữa cơm ấy xảy ra quá đỗi thường nhật, như một lẽ tất yếu vẫn giản dị nằm đó ngày qua ngày.

Nhưng rồi cũng sẽ đến lúc mâm cơm ấy phải thay đổi - những đứa con rồi cũng sẽ rời vòng tay cha mẹ và tìm đến những bến bờ mới, có cho mình những bữa cơm gia đình theo cách khác. 

Và bài hát "Đến giờ cơm" xuất hiện, như để nhắn nhủ chúng ta rằng ai cũng đã từng có một mâm cơm sum họp như vậy trong tiềm thức.

Những ngày đầu khi ca khúc được phát sóng, nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ cũng bất giác nhớ về mâm cơm nhà cùng bố mẹ - điều vốn giản dị ngày đó mà nay chẳng còn dịp tái hiện nữa – và nhạc sĩ trào nước mắt.

Đọc những dòng chia sẻ ấy khiến tôi tan chảy, trong đầu chợt hiện lên viễn cảnh về một ngày mâm cơm ba thế hệ bỗng vắng đi một thành viên.

Tôi vẫn có thể tự trấn an mình bằng cách gác lại cuộc hẹn với bè bạn mà phóng thật nhanh về căn nhà nhỏ của mình trước giờ cơm tối, nhưng hai đứa trẻ trong ca khúc "Đến giờ cơm" thì không - định mệnh xô tới bất ngờ và dẫn bố mẹ chúng đi, biến hai chị em thành trẻ mồ côi giữa căn nhà nay đã hóa xa lạ.

Kiếm cho mình một công việc, chập chững bước chân vào đời sau khi đã cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay, tôi - người con trai cả trong gia đình - nhận ra còn quá nhiều điều mình có thể học được từ bố.

Những lời căn dặn, chỉ bảo của bố - trước giờ vẫn khó nghe vô cùng vào những bữa cơm - nay lại khiến tôi thấm thía.

Giữa cuộc sống vội vã, tôi đang cố gắng thu xếp công việc để chạy về dùng cơm nhà nhiều hơn.

Chừng nào còn được dùng bữa bên gia đình, được lắng nghe những câu chuyện buồn vui xoay quanh một ngày của mỗi thành viên, tôi thấy bình yên quá đỗi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn