MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các cặp vợ chồng trẻ có xu hướng sinh 1 con vì sợ áp lực kinh tế. Ảnh: Mỹ Ly

Lý giải mức sinh thấp qua chia sẻ của các cặp vợ chồng trẻ ở Cần Thơ

MỸ LY - HOÀNG CHÂU LDO | 08/09/2023 15:18

Theo chia sẻ của các cặp vợ chồng trẻ tại TP Cần Thơ, áp lực kinh tế, chi phí nuôi con, thời gian,… là nhiều lý do khiến họ ngại sinh con.

Áp lực chi phí lo cho con

Chịu áp lực kinh tế từ việc nuôi con khiến chị Võ Thị Yến (nhân viên y tế) có suy nghĩ chỉ sinh một bé.

“Bé nhà tôi từ khi mang bầu tới lúc sinh đã tốn một khoản chi phí khá cao. Đến khi sinh xong, phải lo chi phí tiêm vacxin cho bé. Mà vacxin của trạm y tế không đủ nên đa số tôi sẽ đưa con đi tiêm dịch vụ với chi phí rất cao. Ngoài ra còn tiền bỉm, sữa, ăn uống...” – chị Yến nói.

Chị Yến cũng cho biết thêm, hầu hết ở cơ quan chị các đồng nghiệp cũng chỉ sinh 1 bé. Sinh 1 con thì đơn chiếc nhưng nếu điều kiện kinh tế không cho phép thì chị chỉ sinh 1 bé để có thể nuôi con cho thật tốt.

Tương tự, chị Hoàng Thị Kim Hương (nội trợ) cũng cho rằng thời nay nuôi một đứa con thật sự tốn rất nhiều tiền so với ngày xưa. Bởi ai cũng muốn con mình bằng bạn bằng bè, phải chọn những gì tốt nhất cho con.

“Ngoài tiền tã, sữa thì hiện nay, cha mẹ nào cũng ưu tiên tiêm vacxin cho con vì tiêm đầy đủ sẽ phòng ngừa được rất nhiều bệnh. Bé nhỏ nhà tôi tiêm ở trung tâm y tế dự phòng 1 năm rưỡi tốn tầm khoảng 20 triệu. Còn nuôi bé lớn thì tốn thêm tiền cho việc học, ngoài học chính thức, các khoản học thêm cũng rất nhiều. Cho nên, từ khi có con, nhà tôi cố gắng cắt giảm chi phí tối đa, cái nào tiết kiệm được thì tiết kiệm hết.

Chưa hết, từ khi sinh con, tôi phải dành toàn thời gian ở nhà để chăm các cháu. Bé lớn phải kèm cặp vì tuổi dậy thì rất dễ nổi loạn, còn bé nhỏ rất cần sự quan tâm của cha mẹ trong khoảng thời gian đầu đời này" - chị Hương tâm sự.

Cho nên, theo chị Hương, với tình hình kinh tế của gia đình hiện tại chị sẽ không sinh tiếp nữa. Vì càng sinh nhiều áp lực chi phí sẽ càng nặng. Chị muốn con có cuộc sống đầy đủ nên tốt nhất 2 bé là vừa.

Các cặp vợ chồng trẻ có xu hướng sinh 1 con vì áp lực kinh tế. Ảnh: Mỹ Ly

Ưu tiên cho sự nghiệp

Không chỉ những người làm cha mẹ rồi mới lo lắng về vấn đề sinh con mà ngay cả những người trẻ cũng có xu hướng lập gia đình trễ và nếu sinh thì chỉ 1 bé.

Làm mẹ của 2 con, chị Hương càng hiểu nỗi lo lắng giới trẻ về việc sinh con: "Bây giờ nhà nào cũng 1 - 2 đứa là hết. Giới trẻ chủ yếu sinh 1 bé để đối phó với ông bà. Vì sinh nhiều quá áp lực, mấy bạn trẻ không đủ kiên nhẫn bỏ công việc để ở nhà với con. Ai cũng chọn sự nghiệp, ít ai chọn gia đình như xưa nên các bạn rất ưu tiên sinh một bé để dễ gửi ông bà".

Chị Trình Thị Ngọc Diệp (sinh viên năm 4 trường Đại học FPT TP Cần Thơ) cho biết bạn bè, người thân chị phần lớn chỉ sinh 1 bé vì bây giờ có rất nhiều áp lực khi nuôi con.

“Tôi dự định 28 tuổi sẽ lập gia đình. Đặc biệt, khi nào ổn định kinh tế tôi mới tính tới chuyện sinh con và chỉ sinh 1 bé. Với tôi, việc sinh con sẽ có rất nhiều áp lực như tiền tã, sữa. Khi con đến tuổi sẽ tốn tiền cho con đi học, lại thêm đi làm không có thời gian chăm con nên rất áp lực” – chị Diệp tâm sự.

Làm kế toán cho một công ty truyền thông, chị Trần Tảo Di (kế toán) vẫn ưu tiên cho sự nghiệp thay vì lập gia đình: “Với tôi, ổn định kinh tế rồi lập gia đình cũng không muộn. Hiện tại, để sinh ra và nuôi lớn một đứa trẻ thì tốn rất nhiều chi phí. Rồi khi bé lớn lên phải đi học, tiền học phí cũng khá cao”. Cho nên, tùy vào tình hình kinh tế và nhu cầu của bản thân hiện tại mà chị Di quyết định sẽ sinh ít con chứ không sinh nhiều. Bởi chị nghĩ nếu sinh nhiều áp lực sẽ cao và không thể chăm sóc tốt cho con. Chưa kể, nếu sinh con chị sẽ nhờ ông bà chăm vì cũng phải đi làm.

Theo Tổng cục Thống kê, TP Cần Thơ là một trong những tỉnh, thành phố có mức sinh thấp và có xu hướng giảm. Theo đó, năm 2016 là 2,01 con; năm 2017 là 1,64 con; năm 2018 là 1,66 con; năm 2019 là 1,66 con; năm 2020 là 1,74 con; năm 2021 là 1,68 con.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn