MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mâm cơm cúng tổ tiên ngày Tất niên đặc trưng của người miền Tây

Văn Sỹ LDO | 21/01/2023 16:20

Cần Thơ - Tại miền Tây, mâm cơm cúng thần linh và tổ tiên ngày Tất niên thường được tổ chức không cầu kỳ, nhưng mang nhiều ý nghĩa và đây cũng là bữa cơm ấm áp của mỗi gia đình khi có đầy đủ con cháu quây quần, sum họp trong dịp Tết đến Xuân về.

Cũng như mọi năm, mâm cơm cúng Tất niên và cúng tổ tiên của gia đình bà Tăng Thị Lệ (72 tuổi) ở khu vực ngoại ô thuộc phường 4, TP. Vị Thanh (Hậu Giang) được bày biện khá đơn giản, nhưng cũng đủ đầy hương vị ẩm thực đặc trưng ngày Tết của người dân Nam bộ.

  Mâm cơm cúng tổ tiên của gia đình bà Tăng Thị Lệ (Hậu Giang). Ảnh: Văn Sỹ

Các món trong mâm cúng bao gồm: Thịt kho hột vịt, bánh tét, vịt tiềm, chả giò, chả lạnh, thịt khìa, đồ xào thập cẩm và cơm, bún. Bên cạnh chuẩn bị mâm cúng, gia đình cũng đã trưng hoa, trái cây, bánh, mứt trên bàn thờ gia tiên.

“Tôi là người dân tộc Kinh, còn chồng tôi là người Hoa, gia đình thường hay nấu 1 mâm cúng các vị thần linh, 3 mâm cúng rước ông bà, tổ tiên về ăn Tết. Hồi xưa, từ thời ông bà, cha mẹ đã tổ chức cúng như thế nên gia đình tôi cũng cúng gọn nhẹ như vậy.

 Bên mâm cơm trước bàn thờ gia tiên, gia chủ cầu nguyện những điều tốt đẹp trong năm mới. Ảnh: Văn Sỹ

Nhà tôi nhiều chục năm nay rồi, cứ ngày tổ chức cúng Tất niên là con cháu tụ họp về đầy đủ hết. Sau phần khấn vái của tôi thì đến các con, cháu cũng thắp nhang để bày tỏ tấm lòng hiếu thảo với ông bà, tổ tiên.

Tôi nghĩ, không quan trọng là phải đầy đủ các món đồ cúng hay phải cao sang mà mình thành tâm chuẩn bị để dâng lễ lên các vị thần linh và ông bà tổ tiên thì sẽ được phù hộ cho gia đình, con cháu được bình an, mạnh khỏe” - bà Lệ chia sẻ.

 Gia đình bà Tăng Thị Lệ sum họp ngày Tất niên. Ảnh: Văn Sỹ

“Lễ cúng Tất niên cũng là dịp để mọi thành viên trong gia đình tụ tập sum vầy bên nhau, cùng nhau nói chuyện, chia sẻ, tâm sự với nhau về cuộc sống hay những điều mình đã trải qua trong năm vừa rồi, còn con cháu thì tưởng nhớ, thắp hương ông bà, tổ tiên…

Đối với tôi, ý nghĩa nhất, ấm áp nhất chính là bữa cơm đoàn viên của ngày cúng Tất niên” - anh Danh Hiệp Sang, thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) chia sẻ.

 Vợ chồng anh Danh Hiệp Sang sum vầy ở nhà cha mẹ bên mâm cơm ngày Tất niên. Ảnh: NVCC

“Chồng tôi quê ở Bến Tre, còn tôi quê ở Bạc Liêu, sau khi cưới nhau thì về Cần Thơ sống và làm việc.

Cứ mỗi dịp Tết, vợ chồng tôi lại tranh thủ sắp xếp công việc, cúng Tất niên xong cho gia đình rồi cùng nhau về bên nội, sum họp chiều cuối năm để ông bà nội sắp nhỏ được vui trọn vẹn” - chị Trần Hòa Ty, ngụ phường An Bình, quận Cái Răng, (TP Cần Thơ) chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn