MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bàn thờ và mâm cúng vía Thần Tài. Ảnh: Loan Trần

Mâm cúng ngày vía Thần Tài cần chuẩn bị những gì?

NGỌC LIÊN LDO | 19/02/2024 09:01

Thần Tài là vị thần mang tài lộc cho gia đình, mâm cỗ cúng Thần Tài thể hiện tấm lòng của gia chủ, cầu mong nhiều tài lộc, kinh doanh, làm ăn tấn tới.

Theo sách "Văn khấn cổ truyền Việt Nam" - Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, thông thường, bàn thờ Thần Tài được lập ở những nơi góc nhà, là một chiếc khảm nhỏ, sơn son thếp vàng, phía trong có khảm bài vị Thần Tài.

Trước bài vị là bát hương kê trên 100 thoi vàng giấy. Hai bên là hai cây đèn nhỏ đủ thắp. Trong khám đặt mấy cốc nước, chén rượu, một mâm bồng bày hoa quả, phẩm vật cúng lễ.

Gia chủ có thể khắc lên khám giấy mấy chữ đại tự và có đôi câu đối ca tụng sự giúp đỡ của Thần Tài và cầu mong của gia chủ.

Trong ngày vía Thần Tài, gia chủ thường sắm sửa lễ vật, chuẩn bị thêm mâm cúng tươm tất để cúng Thần Tài, cầu mong nhiều tài lộc, kinh doanh suôn sẻ, phát đạt.

Mâm cúng thường có nến, 3 chén nước, 3 chén rượu, 1 đĩa muối, 1 đĩa gạo, mâm ngũ quả, trầu cau, trà khô, hoa tươi, vàng mã.

Bên cạnh đó, gia chủ có thể chuẩn bị thêm cỗ mặn hoặc cỗ chay (tuỳ theo phong tục, thói quen từng địa phương, gia đình).

Ngoài ra, trong mâm cúng vía Thần Tài thường có bộ tam sên - một nét văn hoá của người dân Nam Bộ - biểu trưng cho Thổ (mặt đất), Thuỷ (nước), Thiên (trời).

Một bộ tam sên tiêu chuẩn cần đảm bảo: 1 miếng thịt luộc/thịt heo quay đại diện cho thai sinh và hành Thổ; 3 con tôm hoặc hải sản sống dưới nước đại diện cho thấp sinh và hành Thuỷ; 1 quả trứng vịt luộc đại diện cho noãn sinh và hành Thiên.

Ở một số nơi, các gia đình thường chuẩn bị thêm xôi gấc đỏ, chè trôi nước hoặc chuẩn bị bánh bao tạo hình tiền vàng, thỏi vàng,... để mâm cúng thêm đầy đặn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn