MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Món quà đặc biệt thắp ngọn lửa yêu cho đôi vợ chồng hơn 4 thập kỷ

Đức Mạnh LDO | 10/12/2021 10:27

"Gửi anh thương yêu, anh của em rất nhớ, rất thương...".

Dòng lưu bút chất chứa nỗi niềm nhớ thương người yêu của cô gái trẻ độ tuổi đôi mươi. Chớp mắt đã gần nửa thế kỷ, dòng chữ dần nhòe theo năm tháng, nhưng những thương yêu của đôi vợ chồng U70 vẫn còn đó dù tuổi đã xế chiều.

Từ nhận lời yêu vì món quà đặc biệt

Một buổi chiều thu tôi tới thăm vợ chồng ông Nguyễn Duy Cường (sinh năm 1951) và bà Đỗ Minh Tâm (sinh năm 1952) trên con phố Bạch Đằng (Hà Nội) tấp nập.

Nhấm nháp chén trà, bà Tâm hồi tưởng về những năm 1976, khi bà và chồng vẫn còn ở độ tuổi thanh xuân phơi phới. Khi đó, ông đi bộ đội từ nước ngoài về, sức khoẻ suy giảm. Còn bà đang giảng dạy tại trường cấp 2 Lý Thường Kiệt. 

"Tôi và anh gặp nhau vô tình lắm. Trong một cuộc đi chơi cùng đám bạn lại bất ngờ khi vô tình gặp gỡ anh. Rồi chẳng biết từ lúc nào mà nảy sinh tình cảm nữa" - bà Tâm vừa tủm tỉm cười vừa kể.

Nói về quãng thời gian yêu nhau, bà Tâm vẫn nhớ như in những lần đi hẹn hò đạp xe rong ruổi quanh phố phường Hà Nội hay sang nhà bạn chơi, đu đưa hát theo những bài nhạc trong đĩa. 

Kỷ niệm đồng ý nói lời yêu có lẽ là điều mà hai ông bà không thể quên. Bà chia sẻ: "Hôm đó anh Cường từ quê Việt Trì về, điện cho tôi nói tối nay anh về nhé. Tối đó anh cầm theo một túi 10 quả hồng tặng tôi. Đến tận bây giờ tôi vẫn không thể tìm lại được nơi đâu bán những quả hồng như thế: nó đẹp, tròn, màu sắc sáng lên".

Chính thời điểm đó trong lòng người con gái tuổi đôi mươi đã thực sự rung động vì sự chân thành và mộc mạc từ phía nửa kia. Cứ thế mà 1 năm sau, họ quyết định lập gia đình. Đến năm 1980 sinh người con trai đầu tiên và 6 năm sau có người con thứ hai.

Vợ chồng ông Cường và bà Tâm cùng gia đình sau hơn 43 năm về chung một nhà.

15 năm giữ gìn tình yêu xuyên biên giới

Khi lập gia đình xong là những năm đầu cả 2 vợ chồng cố gắng làm đủ mọi việc bên ngoài như bán bột sắn, muối mơ, sấu để thêm thu nhập. Cũng từ nguồn thu này mà mỗi năm ngôi nhà nhỏ lại sắm sửa thêm vài món đồ mới.

Năm 1987, ông Cường quyết định đến Tiệp Khắc để học tập và làm việc theo cơ chế của Nhà nước. Ở lại Việt Nam, bà Tâm một mình cố gắng vừa nuôi lớn 2 con vừa dạy học nhưng trong lòng lúc nào cũng lo lắng cho chồng ở nơi xa.

"Ông Cường sức khoẻ không được tốt, năm thì phẫu thuật lấy đạn còn từ chiến tranh để lại, năm thì gãy chân nên tôi ở nhà lúc nào cũng sốt ruột, lo lắng".

Động lực thôi thúc, cứ đến tầm tháng 5 khi nhà trường chưa tổng kết là bà Tâm lại chuẩn bị hồ sơ sang sang nước ngoài thăm chồng. 15 năm ông Cường bên Tiệp là 10 năm bà liên tục đi đi về về giữa 2 nước.

Lật mở lại những lá thư trong suốt thời gian xa nhà được đóng thành nhiều quyển, không hiếm gặp những dòng chữ: gửi anh thương yêu, anh của em rất nhớ rất thương... Tất cả ảnh lưu niệm suốt thời tuổi trẻ cũng được ông bà lưu giữ lại thành album để ôn lại cùng con cháu mỗi khi có thời gian rảnh.

Những dòng thư tình được bà lưu giữ cẩn thận qua từng trang giấy.

Nghỉ hưu không chút nhàm chán

Đến năm 2002, ông Cường về nước hẳn, năm 2007 bà Tâm nghỉ hưu nhưng chưa năm nào hai vợ chồng thấy cuộc sống ở nhà nhàm chán. 

Một sở thích chung của hai người được giữ gìn từ chục năm nay chính là khiêu vũ. Ông bà cứ một tuần lại dành ra vài buổi tới nhóm để khiêu vũ với nhau, không đi được thì chuyển sang đi bộ quanh bờ hồ Hoàn Kiếm.

Riêng bà Tâm vẫn nuôi niềm đam mê khó bỏ là dạy học. "Chẳng qua dịch nên các cháu không đến được chứ trước kia là đầy cả lớp. Còn có bạn còn đạt điểm cao trong thi chuyển cấp khoe với tôi mãi", bà tự hào nói.

 Bà dùng căn phòng tại tầng 1 làm lớp dạy với đầy đủ từ dụng cụ thí nghiệm vật lý đến sách vở tài liệu.

Khi được hỏi về điều gì khiến hai vợ chồng ông bà giữ lửa suốt hơn 40 năm qua, bà khuyên mỗi người sau khi lập gia đình cần luôn làm mới mình.

"Lấy nhau không có nghĩa là hy sinh hết mọi thứ vì người khác mà bản thân vẫn phải giữ những niềm vui riêng. Đây cũng là điều mà bố chồng tôi dặn dò khi mới về ở cùng một mái nhà".

Tất cả những tấm hình, dòng thư đều được ông bà đóng quyển lại để cho con cháu xem, nhắc nhở về luôn phải giữ gìn tổ ấm gia đình. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn