Thách thức của dân số Việt Nam
Trên thế giới, mức sinh ở hầu hết các châu lục đều liên tục giảm so với mức sinh thay thế tại các quốc gia châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động, các vấn đề về dân số già và chăm sóc người cao tuổi. Dự báo tình trạng thiếu lao động sẽ phổ biến trên toàn thế giới sau 2055, ảnh hưởng đến phát triển không bền vững về con người, một thách thức hàng đầu của nhân loại trong thế kỷ 21.
ThS. Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết: Tại Việt Nam, thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác dân số, trong đó tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và tiếp tục duy trì cho đến nay, nước ta đã bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng từ 2007 và cũng vừa vượt qua mốc 100 triệu dân, tạo cơ hội cho tích lũy nguồn lực để tăng đầu tư cho an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm trong tương lai. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 74,5 tuổi năm 2023 cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người...
Mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đang tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Đó là nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc, xuất hiện xu thế mức sinh xuống thấp; Tốc độ già hóa dân số nhanh và sớm trở thành quốc gia dân số già; Tỉ số giới tính khi sinh vẫn luôn ở mức cao sẽ dẫn tới nguy cơ mất cân bằng giới tính...
Áp lực cuộc sống, tài chính, không muốn ràng buộc, quan niệm về hôn nhân không theo kiểu truyền thống là những điều khiến không ít phụ nữ trẻ ngại kết hôn. Có một thực tế hiện nay nhiều bạn trẻ không hứng thú với việc kết hôn. Mặc dù họ biết việc yên bề gia thất chỉ là chuyện sớm muộn nhưng có nhiều lý do khiến những người trẻ này trì hoãn lập gia đình. Bên cạnh đó, khác với những người có mong muốn kết hôn nhưng còn lo vấn đề kinh tế hay những ràng buộc trách nhiệm sau hôn nhân, nhiều bạn trẻ có xu hướng lựa chọn độc thân vì thích tự do.
Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, độ tuổi kết hôn ở người trẻ cũng đang tăng dần. Từ năm 1989 - 2022, trung bình độ tuổi kết hôn lần đầu của nam tăng từ 24,4 lên 29 tuổi. Cũng thời gian này, tuổi kết hôn của nữ tăng từ 23,2 lên 24,1 tuổi. Trong khi đó, tỉ lệ kết hôn giảm rõ rệt. Cụ thể, từ năm 1989 - 2019, tỉ lệ nam giới trong độ tuổi 20 - 24 kết hôn giảm từ 37,6% xuống 19,6%, tức là giảm gần một nửa. Còn đối với nữ, các tỉ lệ này cũng giảm từ 57,5% xuống 44,3%. Kết hôn muộn, kết hôn ít là một trong những nguyên nhân làm mức sinh giảm tới một nửa trong hơn 30 năm qua.
“Xã hội càng phát triển, nhu cầu của một đứa trẻ càng đa dạng dẫn đến nỗi lo vật chất khi sinh con, muốn có kinh tế vững vàng mới sinh con, sự phát triển của khoa học, y tế giúp tỉ lệ trẻ tử vong giảm rất mạnh, nên cha mẹ không cần sinh bù, sinh dự trữ... có nhiều lý do khiến tỉ lệ sinh giảm”, GS.TS Nguyễn Đình Cử đưa ra nguyên nhân.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Theo thống kê của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), từ năm 2009 đến nay, tỉ suất sinh tăng nhẹ, hoặc giảm nhẹ quanh mức (2,1 con) và đến năm 2023, theo thống kê mới nhất, mỗi phụ nữ Việt Nam có 1,9 con, thấp nhất từ trước đến nay. Việt Nam đang gặp khó khăn nhất định, khi mà mục tiêu đến năm 2030 duy trì vững chắc mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ, quy mô dân số khoảng 104 triệu người.
Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội... Thậm chí, trong dự báo dân số Việt Nam tới năm 2069, ở kịch bản mức sinh thấp, Việt Nam sẽ đối diện với nguy cơ tỉ lệ tăng dân số bình quân ở mức -0,04% vào năm 2059. Trong khi đó, nếu ở phương án mức sinh trung bình, 10 năm sau đó (2069), con số này mới đạt mức 0.
Ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, mức sinh thay thế là mức sinh trung bình của người phụ nữ trong toàn bộ cuộc đời của mình sinh đủ số con để thay mình thực hiện chức năng sinh đẻ và duy trì (nòi giống). Mức sinh giảm sẽ ảnh hưởng tới cơ cấu, quy mô dân số, làm suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, tăng nhanh quá trình già hóa dân số...
Nếu không có những điều chỉnh chính sách, những giải pháp kịp thời để đưa mức sinh tăng trở lại đạt mức sinh thay thế, tương lai dân số Việt Nam giảm dần..., làm chậm quá trình phát triển của kinh tế - xã hội của đất nước
Quá trình già hóa dân số ở nhiều quốc gia và Việt Nam đang diễn ra rất nhanh, dẫn đến nhiều thách thức về tình trạng suy giảm và thiếu hụt nguồn nhân lực nói chung, nhân lực trong khu vực công nói riêng. Điều đó đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước cần có những chính sách, giải pháp phù hợp để khắc phục tình trạng già hóa dân số ở Việt Nam hiện nay.
“Khi dân số ở thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” số lượng người trong độ tuổi lao động lớn nên nguồn nhân lực phục vụ cho nền kinh tế dồi dào, thậm chí chúng ta còn xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, khi bước vào thời kỳ “dân số già” số lượng người cao tuổi tăng, số người trong độ tuổi lao động giảm đã đặt ra vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực khi bước vào thời kỳ dân số già đã diễn ra ở nhiều quốc gia phát triển như Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc... và là bài học cho các nước đang phát triển như Việt Nam. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực sẽ tạo ra những khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra những hệ lụy phức tạp và lâu dài. Với tốc độ già hóa dân số nhanh như hiện nay rất cần những chính sách để ứng phó với vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực cho phát triển đất nước”, ông Lê Thanh Dũng phân tích.
Bộ Y tế đang đề xuất Dự án Luật Dân số không quy định cụ thể về số lượng mà trao quyền quyết định sinh bao nhiêu con cho từng cặp vợ chồng. Dự luật không đặt ra quy định cụ thể về số lượng con của từng cặp vợ chồng. Thay vào đó, dự luật sẽ trao quyền quyết định cho từng gia đình, đi kèm là trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Theo Bộ Y tế, việc trao quyền quyết định số con cho các bậc phụ huynh sẽ giúp đối phó với tình trạng mức sinh giảm xuống quá thấp, dẫn đến già hóa dân số và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, cũng như đảm bảo an ninh quốc gia. Bộ Y tế thông báo, dự luật nhằm điều chỉnh mức sinh và định hướng giáo dục về hôn nhân và gia đình cho thanh niên. Các chủ lao động có trách nhiệm tạo điều kiện để người lao động có thể tiếp cận thông tin và sử dụng dịch vụ dân số về kế hoạch hóa gia đình phù hợp với môi trường lao động.
Ngoài ra, một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình già hóa dân số hiện nay cũng được đưa ra như hoàn thiện chính sách dân số, trong đó thực hiện duy trì mức sinh thay thế hợp lý, kéo dài thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, làm chậm quá trình già hóa dân số, đảm bảo nguồn nhân lực cho sự phát triển đất nước; phát triển các dịch vụ dân số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phù hợp với thời kỳ già hóa dân số; xây dựng và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững của nguồn nhân lực; xây dựng chính sách việc làm đa dạng và phát triển thị trường lao động phù hợp với thời kỳ già hóa dân số.