MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân Hà Nội đổ về các chùa cầu an trong ngày rằm tháng 7. Ảnh: Minh Phong

Người Hà Nội nườm nượp đi chùa ngày rằm tháng 7

HOÀNG HUÊ - AN NGUYÊN LDO | 18/08/2024 12:04

Đông đảo người dân Hà Nội đến các chùa để lễ bái, thắp nhang cầu bình an, hạnh phúc cho gia đình, người thân trong ngày rằm tháng 7.

Theo quan niệm và văn hóa tín ngưỡng của người Việt, rằm tháng 7 là ngày rằm lớn nhất trong năm, với 2 ý nghĩa lớn là lễ Vu lan báo hiếu và ngày xá tội vong nhân.

Theo ghi nhận của Lao Động, sáng 18.8, các chùa lớn nhỏ ở Hà Nội đều mở cửa đón người dân, phật tử về lễ bái, dâng hương. Mọi người đều đến chùa với mong muốn cầu chúc gia đình, người thân, đặc biệt là ông bà, cha mẹ bình an.

Bà Nguyễn Bảo Thoa (quận Thanh Xuân, Hà Nội) tới chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa) từ rất sớm.

"Sau khi thắp hương, làm lễ cho gia tiên ở nhà xong xuôi, tôi mới chuẩn bị trang phục đến chùa cúng bái. Ngày rằm tháng 7 cũng là lễ Vu lan nên tôi rất nhớ bố mẹ. Thắp hương xong mắt tôi đã nhòe đi. Trước kia khi nghèo khổ, bố mẹ vất vả còn bây giờ cuộc sống tốt hơn nhưng bố mẹ lại không còn.

Do vậy, tôi đến chùa để thắp hương, khấn vái, công đức, cầu nguyện cho gia đình. Bên cạnh đó, tôi cũng cầu nguyện cho tất cả vong hồn liệt sĩ, những người chưa được trở về với người thân, gia đình như anh trai tôi.

Với tôi, Vu lan là ngày lễ lớn, cũng là ngày xá tội vong nhân nhưng mọi điều phải xuất phát từ tâm. Chúng ta phải sống và làm việc thiện, răn dạy con cái học theo truyền thống của người Việt Nam là hướng về cha mẹ, tổ tiên, cội nguồn chứ không chỉ việc đi lễ chùa", bà Thoa chia sẻ.

Bà Nguyễn Bảo Thoa (quận Thanh Xuân) tới chùa sau khi lễ bái sáng 18.8. Ảnh: Minh Phong

Tại chùa Tứ Kỳ (quận Hoàng Mai), người dân đến từ nhiều nơi tại Hà Nội và các tỉnh lân cận đổ về đông hơn các ngày rằm khác trong năm.

Bà Nguyễn Thị Hằng (quận Tây Hồ) cho biết: "Vào ngày rằm tháng 7, tôi thường tụng kinh niệm Phật, làm công quả ở chùa đến tối mới về nhà. Bố mẹ tôi không còn nên cứ lễ Vu lan, tôi lại rất nhớ. Tôi đi chùa để niệm Phật, phù hộ cho những người thân đã khuất ở thế giới khác được bình an".

Người dân tới chùa Tứ Kỳ tụng kinh, cầu siêu. Ảnh: Nguyễn Hằng

Dù đi lễ bái đông đúc nhưng năm nay, người dân tiết kiệm hơn khi không mua nhiều vàng mã, thay vào đó là hoa quả và bỏ tiền công đức.

Anh Nguyễn Quốc Dương (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết: "Năm nay, tôi chỉ mang đến đây một bó hoa và 1 đĩa quả, sau đó xin hạ lễ. Bản thân tôi cũng không đốt vàng mã ở nhà hay ở chùa".

Trong khi đó, bà Nguyễn Bảo Thoa khẳng định, gia đình luôn cúng bái tiền thật để công đức, góp phần xây dựng đền chùa cũng như giúp đỡ những ngôi chùa khác ở các nơi xa xôi và khó khăn hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn