MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người miền Trung xa quê thắt ruột nghe tin lũ dữ

Lê Như LDO | 22/10/2020 21:52
Trước ảnh hưởng của lũ lụt ở các tỉnh miền Trung, những người con xa quê luôn nóng lòng lo lắng cho người thân và đồng hương đang trong vùng lũ.

Nhiều ngày qua, đồng bào cả nước chung tay hướng về miền Trung ruột thịt, hàng triệu con người hỗ trợ “sức người, sức của”. Lũ lụt, sạt lở đất ở miền Trung gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.

Trong 2 – 3 ngày không cách nào liên lạc về được với gia đình, Trần Khánh Chi, hiện là sinh viên đang học tập tại TPHCM nóng lòng về tình hình gia đình ở Quảng Trị. “Vì mất điện dài ngày nên ba mẹ không sạc được điện thoại, mình không có cách nào liên lạc được. Vì ở xa quá nên chỉ biết chờ tin chứ không biết làm cách nào khác”, Chi chia sẻ.

Hiện tại, nước đã rút, nhưng hậu quả để lại đối với người dân là mất mát không nhỏ. “Hồ tôm trôi hết, lúa thu hoạch không đem lên cao kịp thời cũng hỏng, gà vịt cũng không còn”, Chi ngậm ngùi.

Chị Dương Thị Thương, hiện đang làm việc tại TPHCM, suốt đêm không ngủ, cứ 30 phút lại gọi điện về huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình 1 lần để kịp cập nhật tình hình cả gia đình nơi miền Trung lũ dữ. Chị chia sẻ, nhà ở khu cao nên chưa bao giờ lũ tràn vào, vậy mà đợt lũ này nước ngập lênh láng, càng về đêm nước càng dâng cao, ngập lên gần nửa nhà.

Chị Thương xót xa: “Ba ngâm mình trong nước, mẹ đau ốm liên miên, ruộng đồng bị lũ vùi. Đau xót lắm”.

Gồng mình trong cơn lũ, nhưng khi được hỏi thăm về tình hình ở nhà, ba nói “Đừng lo, có hàng xóm láng giềng giúp đỡ lẫn nhau. Mình thế này còn đỡ hơn một số nhà vùng dưới, nhà còn không biết nóc ở hướng nào”, chị Thương chia sẻ.

Nhấc điện thoại gọi về huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, Lê Thị Huyền, hiện đang học tập tại tỉnh Đồng Nai được người nhà cho biết, nước đã dâng cao đến nóc nhà, dàn loa âm thanh phục vụ tiệc cưới chìm trong biển nước, hàng trăm con gà cùng các vật dụng trong gia đình đều hư hỏng. Người thân phải cố gắng tìm cách di chuyển sang những ngôi nhà lầu của hàng xóm gần đó để tránh lụt.

Mấy ngày sau đó, Huyền không liên lạc về nhà được nữa vì lúc đó trên địa bàn bị cắt điện, còn điện thoại người nhà đã hết pin. “Lúc đó, mình cảm thấy rất nóng lòng, chỉ biết cầu nguyện mọi người đều bình an”.

Sau khi nước đã rút bớt và sạc nhờ được điện thoại, Huyền được người nhà thông báo rằng vẫn an toàn, nhưng mọi thứ trong nhà đều thiệt hại nặng nề.

“Có thể với nhiều người, mấy chục triệu đồng không là gì. Nhưng đối với người dân quê mình, đó là cả một tài sản lớn. Không biết sau lũ, mọi người sẽ sống như thế nào”, Huyền bày tỏ.

Những người con xa quê luôn thấp thỏm, bồn chồn khi nghe tin quê mình hứng chịu thiên tai, bão lũ. Những con người luôn hướng về miền lũ dữ và hàng triệu trái tim Việt Nam cùng chung tay, tiếp sức, không để miền Trung đơn độc chống chịu với thiên tai.

Nhiều ngày qua, các cá nhân, tổ chức cùng chung tay gói những chiếc bánh chưng, các đoàn xe thiện nguyện nối nhau hướng về tâm điểm bão lũ.

Mưa lũ rồi sẽ qua đi, người dân miền Trung rồi cũng sẽ tìm cách khắc phục hậu quả sau lũ, sớm ổn định trở lại cuộc sống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn