MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dịp Tết gắn liền với không khí nô nức, nhộn nhịp và những mâm cỗ thịnh soạn. Ảnh: Mỹ Ly

Người Việt chơi Tết bao nhiêu ngày?

Thùy Trang LDO | 12/02/2024 07:02

Tết Nguyên đán là dịp giao lưu tình cảm, gắn kết giữa con cái với ông bà, bố mẹ, người thân lối xóm.

Tết là dịp đi chơi, thăm hỏi, chúc mừng và đã có "lịch" cho những nghi lễ, giao tiếp: "Mùng Một tết cha, mùng Hai tết mẹ, mùng Ba tết thầy".

Nhà cha là họ hàng bên nội, nhà mẹ - họ hàng bên ngoại, họ của mẹ, đồng thời họ của vợ mình (nếu đã có vợ); thầy là thầy học, nhưng nếu là người bệnh thì tết thầy lang, bác sĩ cũng đúng. Theo lệ tục ấy, cô dâu ở lại nhà chồng cả ngày mùng Một để lo mâm cỗ cúng.

Sau một năm bận làm ăn, chỉ những ngày này, bố mẹ, con cháu, anh em, họ hàng mới có điều kiện trò chuyện thoải mái bên chén rượu xuân.

Đối với người dân, nhất là trẻ em, thông thường cũng đã có lịch đi chơi và chỗ chơi: "Mùng Một chơi nhà, mùng Hai chơi ngõ, mùng Ba chơi đình".

Chơi ngõ là ra khỏi nhà, đánh đinh đánh đáo; chơi đình là ra đình xem hội hoặc dự các trò chơi công cộng vì xưa kia, hội làng mùa xuân thường mở ngay trong dịp Tết.

Từ ngày mùng Bốn thì tục lệ cứ nới dần ra. Ai muốn đi chơi đâu thì đi. Đi chơi vừa là giải trí, vừa là để thực hiện nghĩa vụ tình cảm mà hàng năm mới có một lần. Các gia đình có thể vãn cảnh chùa chiền, đền miếu hoặc nơi danh lam cổ tích.

Đối với người Việt, đến nhà nhau chúc Tết cũng một lễ tục. Gặp nhau lúc đầu tháng, đầu năm, ai cũng tỏ ra hồ hởi "tay bắt mặt mừng" và không quên chúc nhau những điều tốt lành.

Sau mùng Năm Tết, người ta có tục mời nhau bữa tiệc đầu xuân. Ý nghĩa của bữa ăn là ở chỗ tình cảm, tôn ti trật tự, là quan hệ xóm làng. Qua chén rượu đầu xuân ấy, họ hiểu được ý định của nhau trong cả năm, rồi tạo điều kiện giúp nhau thực hiện mong muốn. Tuy không quy định, nhưng dường như là sự luân phiên cứ nhà này xong thì đến nhà khác, kéo dài đến Rằm tháng Giêng.

Đi đôi với tục xông đất, xông nhà là tục mừng tuổi và chúc thọ. Bố mẹ, ông bà mừng tuổi cho con cháu; con cháu chúc thọ bố mẹ, ông bà, bạn bè; những người thân thiết mừng tuổi cho nhau.

Theo sách "Lễ tục trong gia đình người Việt", tiền mừng tuổi thường cho số lẻ, ngụ ý tiền đó sẽ dư mãi ra. Có thể mừng tuổi bằng tiền hoặc bằng quà, nhưng phải chú trọng đến mặt hình thức vì ngày Tết ai cũng thích đẹp.

Mừng tuổi là một dịp để những người thân thiết quan tâm đến nhau về quyền lợi vật chất, nhưng là một thứ vật chất được thông qua tình cảm, nên rất có ý nghĩa. Người ta tin rằng, thêm một Tết là thêm một tuổi, thêm một tuổi là thêm một điều mừng: người trẻ thì lớn khôn, người già thêm tuổi thọ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn