MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nướng bánh bông lan truyền thống bằng bếp than. Ảnh: Nguyên Anh

Nhớ bếp than hồng nướng bánh bông lan ngày Tết

NGUYÊN ANH LDO | 11/02/2024 17:52

Ngày Tết có nhiều món ăn ngon vật lạ được gia đình người Việt chuẩn bị để mừng năm mới và thết đãi khách. Trong đó, chiếc bánh bông lan ở những vùng quê lại trở thành điểm nhấn nổi bật giữa rất nhiều lựa chọn.

Công phu chế biến

Những ngày cận Tết, trong tiết trời se se lạnh, gian bếp nhỏ làm bánh bông lan của gia đình chị Nguyễn Thị Tú Trinh ở thị trấn Giồng Riềng (Kiên Giang) lại ấm hơn vì có nhiều bếp than hồng dùng để nướng bánh.

Dù khá tất bật với đơn hàng cho khách nhưng chị Trinh vẫn cười vui vẻ, vừa trò chuyện vừa luôn tay trở bánh. Gắn với nghề làm bánh hơn 20 năm qua, bánh nhà chị Trinh làm luôn được nhiều khách hàng đặt mua kể cả ngày thường chứ không riêng gì dịp Tết.

Chị Trinh chia sẻ: Nguyên liệu bánh thì có bột, đường, trứng... ở đâu cũng có thể học và làm được nhưng bí quyết cũng ở cách pha bột, chế biến riêng của mỗi người. Lưu ý nguyên liệu làm bánh cần được lựa chọn cẩn thận và được pha chế theo tỉ lệ thích hợp, đồng thời lửa để nướng bánh phải được canh chừng vừa phải thì bánh mới chín đều, đẹp và tạo được độ ngon.

Không chỉ vậy, qua thời gian chị Trinh còn biến tấu làm bánh bông lan mặn từ nhân thịt heo, lạp xưởng, nấm mèo với hương vị rất riêng. Do vậy, thời điểm cận tết, số lò nướng cũng được huy động thêm, gian bếp lúc nào cũng đỏ lửa, chị Trinh phải thuê thêm 7 nhân công lao động để kịp đơn hàng tết với số lượng khoảng 40.000 cái bánh.

"Hồi trước đánh bột bằng tay, làm thủ công toàn bộ nhưng đơn hàng lớn quá mình phải nhờ máy móc hỗ trợ, dùng máy đánh bột mới kịp đơn cho khách. Tuy nhiên hương vị bánh vẫn giữ nguyên chứ không ảnh hưởng gì", chị Trinh chia sẻ.

Nghề bà truyền mẹ, mẹ truyền con

Tiếp nối nghề làm bánh được bà và mẹ truyền lại, chị Trinh cùng 3 người em gái của mình vẫn tiếp tục “giữ lửa” nghề truyền thống, không để mai một. Đây không chỉ là nguồn thu nhập chính cho gia đình chị Trinh mà nó còn tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em phụ nữ địa phương.

Chị Trinh (bên trái) hướng dẫn làm bánh bông lan truyền thống. Ảnh: Xuân Nhi

Chất lượng bánh được khẳng định trong nhiều năm qua bằng những đơn hàng trong và ngoài tỉnh tận TPHCM, Đà Lạt, Bình Dương, còn tại địa phương thì được các nhà hàng đặt xuyên suốt để đãi đám tiệc.

Chị Nguyễn Thị Kim Phượng, Chủ nhà hàng dịch vụ tiệc cưới Nhiên Phượng, thị trấn Giồng Riềng cho biết: “Nhà hàng của tôi đặt bánh bông lan của chị Trinh làm là cố định luôn. Mình đãi đám tiệc gì cũng có món bánh này, khách ăn khen ngon nên mình giữ món này trong thực đơn của nhà hàng luôn”.

“Làm bánh có cái cực của làm bánh, suốt ngày tiếp xúc với lửa nóng nhưng mình yêu thích nghề này và thấy nó là 1 phần quen thuộc trong cuộc sống. Mỗi lần vào bếp làm bánh, thấy khói bay, hương bánh nướng thơm nức mũi mình cảm giác nhớ về tuổi thơ có hình ảnh người bà, người mẹ đang làm bánh tết bên bếp than hồng”, chị Trinh bộc bạch.

Món bánh dân dã mang ý nghĩa tốt lành

Bánh bông lan là loại bánh quen thuộc với người dân miền Tây, được “chọn mặt gửi vàng” trong các mâm lễ cưới, hỏi, quà tặng dịp Tết... vì mang ý nghĩa tốt lành, hạnh phúc, thịnh vượng.

Theo những người làm bánh lâu đời ở huyện Giồng Riềng cho biết, có ý nghĩa này cũng 1 phần bởi đặc tính khi nướng bánh. Bột trong khuôn được làm nóng trên bếp than hồng những cánh bánh sẽ nở ra đầy đặn thể hiện cho sự sung túc ấm no. Cũng có thể vì lẽ đó nên người dân miền Tây chọn làm món bánh đãi khách dịp năm mới.

Bánh bông lan cùng các loại bánh truyền thống đặc trưng của người dân Nam bộ được trưng bày trên mâm bánh Tết. Ảnh: Nguyên Anh

Trong thời kỳ hiện đại, thị trường xuất hiện nhiều loại bánh khác nhau, song đến dịp Tết bánh bông lan không mất đi vị thế của mình. Người tiêu dùng không quay lưng với bánh truyền thống, họ vẫn trân trọng nét đẹp văn hóa, ẩm thực ông bà truyền lại.

Ngày Tết, 1 dĩa bánh bông lan cùng ấm trà nóng mời khách đến nhà, dung dị nhưng lại đậm tình. Bánh tuy dân dã nhưng chứa đựng cái tâm của người làm bánh, tạo ra vị ngọt cho bánh cũng là lưu giữ cho đời thứ hương vị truyền thống mà không phải loại bánh nào cũng có được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn