MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ y tế tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: Hải Nguyễn

Những điều bố mẹ cần biết về tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em

Minh An LDO | 18/10/2021 16:57

Bộ Y tế đã cho phép tiêm vaccine COVID-19 trẻ 12-17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, tiêm trước cho trẻ 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi, theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.

Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết Bộ đang xây dựng hướng dẫn, dự kiến tháng 10 bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi, sau đó mở rộng các nhóm tuổi thấp hơn. Dự kiến lượng lớn vaccine Pfizer sẽ về Việt Nam thời gian tới. Ông Thuấn cũng cho biết trong chuyến thăm Cuba vừa qua, Chủ tịch nước đề nghị nước này sớm gửi hồ sơ về vaccine tiêm cho trẻ em để xem xét.

- Việc tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học (đối với các địa bàn tổ chức được học tập trung tại trường). Thực hiện khám sàng lọc trước tiêm theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế và chỉ định loại vaccine sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Hiện vaccine của Pfizer-BioNTech đã được Mỹ, Canada, Brazil, Singapore... phê duyệt tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi. Dù so với người lớn, tỉ lệ trẻ em mắc COVID-19 ít hơn nhưng thực tế, đây vẫn là đối tượng rất cần được bảo vệ bằng vaccine trước dịch bệnh. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh - CDC Mỹ khuyến cáo tất cả mọi người từ 12 tuổi nên tiêm vaccine COVID-19.

- Các vaccine ngừa COVID-19 đều an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, cũng như tất cả các loại thuốc, một số người có thể gặp các tác dụng phụ. Trẻ có thể gặp các phản ứng thông thường sau tiêm như sốt, sưng đỏ hoặc đau nhức tại chỗ tiêm, nổi cục nhỏ, ngứa hay nhức mỏi cánh tay. Người thân nên ở bên cạnh trẻ 24/24 giờ, ít nhất là trong ba ngày đầu sau tiêm vacicne để có thể kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường.

- Sau khi tiêm nếu tình trạng ửng đỏ hoặc nhạy cảm đau ở vị trí tiêm của trẻ trở nặng sau 24 giờ (1 ngày) thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để gặp bác sĩ.

- Không nên bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì như lá cây, dầu gió, trứng gà... vào chỗ sưng đau. Có thể massage nhẹ nhàng cánh tay cho trẻ. Các loại thuốc kháng dị ứng nên được dùng với sự hướng dẫn của nhân viên y tế.

Ngoài ra, phụ huynh theo dõi những dấu hiệu bất thường sau tiêm, đặc biệt là biến chứng viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, dù rất hiếm gặp. Biến chứng này có thể xảy ra sau tiêm vaccine mRNA, thường gặp ở trẻ nam và sau liều tiêm vaccine thứ hai. Các dấu hiệu thường vào 2-4 ngày sau tiêm vaccine (cũng có thể gặp sớm 12 giờ sau tiêm hoặc muộn hơn), như: đau ngực, cảm giác ép nặng hoặc khó chịu ở ngực, thở hụt hơi, khó thở, cảm giác nhịp tim nhanh hay chậm bất thường, không đều hoặc đập thình thịch, hồi hộp đánh trống ngực. Đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi có những dấu hiệu trên.

- Hiếm khi xảy ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Các loại phản ứng này được gọi là sốc phản vệ và hầu hết luôn xảy ra trong vòng 30 phút sau khi tiêm vaccine. Chính vì vậy, điều quan trọng là sau khi tiêm vaccine phải ở lại 15-30 phút để bác sĩ có thể theo dõi tình trạng và đảm bảo mọi thứ đều ổn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn