MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lấy lại sự tự tin bằng cách loại bỏ những thói quen xấu. Ảnh minh hoạ: Xinhua

Những thói quen có thể khiến bạn ngày càng nhút nhát, giảm sự tự tin

Hương Lê (Health Shots) LDO | 04/07/2023 22:00

Sự tự ti, nhút nhát có thể ngày càng gia tăng nếu như bạn cứ mãi giữ thói quen xấu như tự nói chuyện tiêu cực, thường xuyên so sánh bản thân với người khác, bỏ bê không chăm sóc bản thân.

Theo Health Shots, có nhiều thói quen và sự cố khác nhau trong cuộc sống có thể khiến lòng tự trọng của một người giảm mạnh thay vào đó thì họ sẽ ngày càng trở nên nhút nhát và tự ti.

Nếu chúng ta không tìm cách vượt qua được sự thiếu tự tin ấy thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới năng suất trong công việc, mối quan hệ của chúng ta với những người khác và cuối cùng gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của chúng ta.

Health Shots đã liên hệ với Tiến sĩ Jyoti Kapoor để hiểu rõ những thói quen gây ra sự nhút nhát, tự ti.

Theo Tiến sĩ Jyoti Kapoor, sự nhút nhát hay tự ti có thể được hình thành bởi những thói quen không tốt trong suốt cuộc đời của một người. Dưới đây là một số thói quen dẫn đến lòng tự trọng thấp mà theo chuyên gia chúng ta nên cố gắng hết sức để sửa đổi.

Tự nói chuyện tiêu cực: Cứ mãi đắm chìm trong sự tự phê bình, tự đánh giá tiêu cực và tập trung vào những sai sót cá nhân có thể tác động đáng kể đến lòng tự trọng. Chuyên gia cho biết, việc mắng mỏ bản thân có thói quen làm xói mòn sự tự tin và thúc đẩy cảm giác kém cỏi.

Chúng ta nên cố gắng phát triển thói quen tự nói chuyện tích cực và lưu tâm đến những gì chúng ta nói với chính mình vì điều đó giúp xây dựng hình ảnh lành mạnh về bản thân.

Cầu toàn: Bạn thường đặt ra những tiêu chuẩn quá cao và không ngừng phấn đấu để đạt được sự hoàn hảo, tuy nhiên điều này có thể gây bất lợi cho lòng tự trọng. Những người cầu toàn có xu hướng tự phê bình bản thân quá mức và có thể cảm thấy không thỏa đáng khi họ không đáp ứng được những kì vọng phi thực tế của chính mình.

So sánh liên tục: Thường xuyên so sánh bản thân với người khác, đặc biệt là về thành tích, ngoại hình và địa vị xã hội, có thể dẫn đến cảm giác tự ti và giá trị bản thân thấp. Hãy nhớ rằng, mọi người đều có hành trình độc đáo của riêng mình và so sánh bản thân với người khác là một thói quen không công bằng và không hiệu quả.

Hình ảnh tiêu cực về cơ thể: Bạn ám ảnh, ngại ngùng về những khuyết điểm trên cơ thể và liên tục tự phê bình bản thân, về lâu dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tự trọng. Thói quen này có thể được thúc đẩy bởi các tiêu chuẩn sắc đẹp của xã hội và dần dẫn đến sự không hài lòng về cơ thể của bản thân.

Trốn tránh thử thách: Theo chuyên gia, trốn tránh thử thách hoặc không muốn trải nghiệm điều gì mới do sợ thất bại có thể hạn chế sự phát triển cá nhân và gia tăng cảm giác tự ti, nhút nhát. Thói quen này ngăn cản bạn nhận ra tiềm năng thực sự của mình và có thể góp phần làm giảm cảm giác về giá trị bản thân.

Xin lỗi quá nhiều: Liên tục xin lỗi vì những điều nhỏ nhặt hoặc nhận trách nhiệm về những tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát có thể làm giảm lòng tự trọng của bạn. Thói quen này cho thấy sự thiếu tự tin và có thể khiến bạn cảm thấy mình là gánh nặng cho người khác.

Bỏ bê việc chăm sóc bản thân: Việc thường xuyên bỏ bê các hoạt động chăm sóc bản thân, chẳng hạn như tập thể dục, ăn uống lành mạnh, ngủ nghỉ và thư giãn, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn. Chuyên gia cho biết sự thờ ơ này có thể dẫn đến cảm giác tự ti và giảm sút giá trị bản thân. Điều quan trọng cần nhớ là khoản đầu tư lớn nhất mà bạn có thể thực hiện là vào chính mình, vì nó mang lại cho bạn những giá trị lớn hơn bạn từng tưởng tượng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn