MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc. Ảnh: FBNV

Ninh Dương Lan Ngọc từng gây tranh cãi vì sợ kết hôn

HIẾU NGÂN LDO | 05/10/2022 16:00
Diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc từng chia sẻ rằng cô không tin vào đời sống hôn nhân và sợ kết hôn.

Ninh Dương Lan Ngọc vốn được mệnh danh là “ngọc nữ” trăm tỉ của màn ảnh Việt.

Xinh đẹp, nổi tiếng, đắt show nhưng Lan Ngọc lận đận chuyện tình cảm. Cô từng trải qua nhiều mối tình, có thể kể đến: diễn viên Minh Luân, nhạc sĩ Chi Dân... Tính đến thời điểm hiện tại, Lan Ngọc đã bước sang tuổi 32, ngưỡng tuổi “an cư” của phần đông người trẻ Việt.

Tuy vậy khi có ai đó nhắc tới chuyện lập gia đình, Lan Ngọc từng trả lời rằng cô không tin vào đời sống hôn nhân và không muốn kết hôn.

Nữ diễn viên chia sẻ: “Tôi không muốn lấy chồng. Tôi thấy nhiều cặp vợ chồng đến với nhau rồi cũng ly dị. Vậy tại sao phải gắn bó, kết nối với nhau bằng một tờ giấy. Hai người ở với nhau không có sự ràng buộc nào sẽ hạnh phúc hơn”. 

Phát ngôn này của Ninh Dương Lan Ngọc nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Người thì cho rằng việc đăng ký kết hôn, xác lập mối quan hệ hôn nhân gia đình trên giấy tờ sẽ đảm bảo trách nhiệm của hai bên với nhau, là cơ sở để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hai bên khi có sự cố phát sinh trong quá trình chung sống.

Người thì quyết liệt hơn khi cho rằng, Lan Ngọc đang có suy nghĩ lệch lạc về hôn nhân. Hôn nhân không giống như tình yêu. Với đôi lứa chỉ yêu nhau là đủ. Kết hôn sẽ gồm nhiều ràng buộc hơn, về mặt pháp lý, tình cảm, và cả đối nội đối ngoại với gia đình 2 bên. 

Theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã quy định về việc nếu không đăng ký kết hôn và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch thì không có giá trị pháp lý.

Vậy có thể hiểu rằng, khi hai người tiến tới việc chung sống như vợ chồng nhưng lại không đăng ký kết hôn, là đang tham gia vào quá trình “sống thử” - trào lưu đang được một bộ phận giới trẻ chạy theo.

“Sống thử” là hiện tượng những đôi nam nữ yêu nhau, với mong muốn tìm hiểu đối phương mà rủ nhau “góp gạo thổi cơm chung”, sống và sinh hoạt với nhau như vợ chồng.

Sau một thời gian sống thử, nếu hai bên cảm thấy phù hợp với cuộc sống hôn nhân thì có thể tiến tới việc kết hôn. Ngược lại, nếu chưa đủ điều kiện về tài chính hoặc chưa có mong muốn gắn kết hơn với gia đình của đối phương thì sẽ kéo dài việc sống thử, hay thậm chí là “đường ai nấy đi” nếu một trong hai người có người mới, hay đơn giản chỉ vì “không phù hợp”, lý do phổ biến mà giới trẻ vẫn hay nhắc đến.

Hiện trạng "sống thử" trong giới trẻ cũng từng gây tranh cãi và khiến nhiều bậc phụ huynh đau đầu. "Sống thử" được xem là đời sống tiền hôn nhân cần thiết khi hai người trẻ chưa chắc chắn về tình cảm và sự hòa hợp khi sống chung.

Trong khi đó, ở góc nhìn của số đông phụ huynh, việc sống thử có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, đơn cử như sống thiếu trách nhiệm, không có sự gắn kết, ngại kết hôn, thậm chí là nạo phá thai bừa bãi...

Trên tất cả, việc "sống thử" và có quan niệm sợ kết hôn, ngại kết hôn của giới trẻ hay như Ninh Dương Lan Ngọc đang làm mất dần giá trị của gia đình trong đời sống đương đại. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn