MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vợ chồng chị Chang chia sẻ hành trình yêu của mình. Ảnh: NSX.

Nỗ lực vượt qua nghịch cảnh của vợ chồng khuyết tật bị lừa lấy hết vé số

ĐÔNG DU LDO | 14/07/2023 07:20

Tại chương trình "Thuận vợ thuận chồng", cặp vợ chồng khiếm khuyết là anh Đoàn Sơn Thọ và chị Vũ Thị Chang mang đến câu chuyện xúc động về chặng đường yêu của mình.

Cả hai vợ chồng đều trải qua một lần dang dở, họ gặp nhau như sự nối tiếp duyên nợ bằng một sự tình cờ.

Chị Chang từ nhỏ không may mắc phải chứng sốt bại liệt, sau lần "thập tử nhất sinh" đó, chị phải sống trong mặc cảm một thời gian dài.

Trước khi gặp anh Thọ, chị từng có một cuộc hôn nhân và hai con nhỏ, tuy nhiên số phận vẫn chưa mỉm cười với chị khi có người thứ 3 và mối duyên chồng vợ kết thúc chóng vánh sau hơn 2 năm chung sống.

Giống với hoàn cảnh của chị Chang, anh Thọ cũng là nạn nhân của cơn sốt bại liệt quái ác, một thời gian dài sống trong sự bảo bọc của gia đình. Anh tìm đến Hội dạy nghề dành cho người khuyết tật ở quận Gò Vấp, với mong muốn có một cái nghề để tự mình nuôi sống bản thân, anh theo học mĩ nghệ gỗ.

Cho đến nay, anh đã theo nghề hơn 10 năm. Hôn nhân của anh Thọ kéo dài gần một thập kỉ, những tưởng khoảng thời gian dài là đủ để họ có thể sống trọn đời bên nhau, nhưng đến một ngày, người vợ lại bất ngờ bỏ đi theo người đàn ông khác trong sự ngỡ ngàng của anh Thọ.

Vợ chồng chị Chang tại chương trình. Ảnh: NSX.

Giữa hai con người có quá nhiều sự tương đồng, về cả nỗi đau thể xác lẫn nỗi đau tinh thần, nên lương duyên lại định cho anh Thọ và chị Chang vẽ tiếp một bức tranh gia đình đầy màu sắc.

Họ tìm thấy nhau chỉ qua một dòng trạng thái trên mạng xã hội. Chị Chang nhớ như in ngày hôm đó. Trong lúc tâm trạng buồn chán, chị đăng một dòng trạng thái với nội dung: "đang buồn, đang chán, ai tán yêu luôn", thì anh Thọ nhắn tin “có anh đây”. Từ tin nhắn tán gẫu, cả hai nên duyên nợ.

Trước khi quyết định gặp mặt trực tiếp, chị Chang thừa nhận mình là người khuyết tật, còn có thêm hai đứa con nhỏ. Cứ tưởng nghe tới đây, anh sẽ xách dép chạy mất. Thế nhưng, ở đầu bên kia anh cũng trả lời thật lòng, hóm hỉnh, anh nói mình cũng là người khuyết tật, bị vợ bỏ.

Lấy lí do là đi xin việc làm, chị Chang vào TPHCM để gặp anh Thọ. “Không những anh không ghét bỏ hai đứa con của tôi, mà anh còn chủ động đi vay mượn để tôi có tiền trở về Hải Phòng đón con vào sống cùng. Tôi đã sống rất hạnh phúc, anh thương con tôi còn hơn người ba trước của bọn trẻ”, chị Chang nghẹn ngào.

Trong suốt 8 năm sống bên nhau, anh Thọ và chị Chang rất buồn khi nghe được những lời không hay như “hai đứa ‘què quặt’ lấy nhau làm gì mà sống?”. “Họ càng nói như vậy, vợ chồng tôi tự nhủ càng phải khẳng định, càng phải cố gắng hơn người bình thường”, chị Chang nói.

Những ngày tháng cơ cực, hai vợ chồng cứ phấn đấu hết nghề này tới nghề khác. Kể từ lúc xưởng mĩ nghệ giải thể, không may là công ty của chị Chang phải cắt giảm nhân sự, cả hai bán kẹo kéo, tăm bông, vé số… làm đủ mọi nghề để mưu sinh.

Năm ngoái, khi vợ chồng anh Thọ vẫn dậy sớm để đi bán vé số như mọi ngày, họ bị một người phụ nữ lành lặn lừa lấy mất 93 tờ vé số. Có thể, đối với nhiều người đó là một số tiền nhỏ, nhưng đối với gia đình anh Thọ đó là bữa cơm, là tương lai của cả một gia đình vốn đã không được may mắn.

Anh kể, nghề bán vé số tưởng chừng như đơn giản nhưng lại rất nhiều rủi ro, từ trộm cướp, lừa đảo vừa mua vừa giấu, đến những kẻ lợi dụng những người khuyết tật để làm vé số giả, nhằm đánh tráo một cách nhẫn tâm.

Dẫu cho cuộc sống có quá khó khăn, nhưng chị Chang vẫn một lòng đồng hành cùng anh Thọ dù thời điểm nào, dù bất cứ đâu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn