MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nỗi niềm phụ nữ Việt tủi thân không được đón Tết nhà ngoại

Thúy Anh LDO | 15/01/2022 12:16
Cứ gần đến giao thừa, lòng chị P.H lại chùng xuống vì biết vài ngày nữa thôi, chị phải tạm biệt bố mẹ ruột để về quê chồng, ra Tết mới được gặp lại nhà ngoại.

Khoảng 28 – 29 Tết mỗi năm khi cơ quan cho nghỉ, chị P.H (Hà Nội) kiểm tra kẹo mứt, đồ lễ cúng bái xem còn thiếu gì không, rồi chuẩn bị khăn gói cùng chồng và các con về quê nội. Năm nay là cái Tết thứ 7 chị xa nhà.

Ông xã là người Hải Phòng, không có nhà riêng nên hai vợ chồng ở nhà mẹ đẻ của chị tại Hà Nội. Vì cả năm sống cùng nhà vợ, Tết đến, chồng chị muốn dành trọn thời gian bên nhà nội. Nghe theo ý ông xã, chị ăn Tết quê chồng đến tận ngày nghỉ lễ cuối cùng.

Cô bác năm nào cũng khuyên “thử xin chồng lên Hà Nội sớm”, nhưng chị P.H không đành lòng. “Tôi cũng muốn nghĩ cho chồng. Cả năm anh chăm sóc bố mẹ tôi rất tốt, bận đi làm nên ít thời gian về quê. Hai năm nay dịch càng hiếm cơ hội hơn. Mình muốn đón Tết nhà ngoại thì chồng cũng muốn ở với nhà nội. Tôi từng xin chồng về quê đến hết mùng 3 rồi trở lại Hà Nội, nhưng nhìn sắc mặt chồng có vẻ chần chừ. Từ năm đó trở đi, tôi không xin nữa”, chị P.H chia sẻ.

Chị nói thêm: “Dù vậy nhưng nghĩ vẫn tủi thân. Bao nhiêu năm lấy chồng là ngần ấy năm tôi không được nếm vị Tết cùng bố mẹ. Hôm nào có lịch trực ở cơ quan, chồng lại đèo tôi từ Hải Phòng lên Hà Nội để đi làm, sáng đi tối về. Lúc đó tranh thủ chúc và thăm bố mẹ luôn. Tôi thường xin sếp cho tôi trực mùng 2 hoặc mùng 3 Tết”.

Chị Nguyễn Vy (Quy Nhơn) cũng buồn vì đón Tết xa nhà. Hằng năm, gia đình chị thường quây quần bên nhau gói bánh tét. Cả nhà chia nhau mỗi người một việc nhưng không khí sum vầy rất vui. Chiều tối lại cùng nhau vừa trông bánh vừa đón giao thừa.

Tết 2021 là năm đầu ở nhà nội, vì ba chồng mất sớm nên ngày 30 Tết chỉ có mẹ, vợ chồng chị và người em rể. Gia đình đón giao thừa đơn giản, chỉ cùng ăn bữa cơm rồi “mạnh ai nấy đi, chưa tới phút giao thừa thì ai cũng tranh thủ ngủ sớm”.

Chị Vy thấy nhớ không khí rộn ràng ở nhà ba má. “Mình điện về nhà thấy ba má với anh đang bên nồi bánh tét mà cảm xúc trong trào lên. Vì không muốn ba má lo nên ngoài miệng mình nói chuyện vui vẻ nhưng khi cúp máy, mình khóc rất nhiều không dừng được”, chị nói.

Chị Linh Hương (Thanh Hóa) lấy chồng cùng quê có suy nghĩ đơn giản hơn: “Nhà ngoại mình cách 30 km. Bản thân mình nghĩ rằng ngày nào cũng là ngày Tết và nhớ bố mẹ thì về. Nhưng đã lấy chồng thì ngày mùng 1 Tết phải ở nhà chồng để lo cúng bái. Mùng 1 Tết nội, mùng 2 Tết ngoại, năm nào cũng cố gắng về ăn Tết với bố mẹ là được”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn