MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kim Ji Won và Kim Soo Hyun đóng chính trong "Nữ hoàng nước mắt". Ảnh: Nhà sản xuất

“Nữ hoàng nước mắt" bùng nổ rating khi để chồng vào bếp nấu cỗ cho lễ giỗ nhà vợ

DƯƠNG HƯƠNG LDO | 23/03/2024 11:10

"Nữ hoàng nước mắt" đang gây sốt ở Hàn Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới nhờ kịch bản mới lạ, khi vai trò hoàng tử - lọ lem bị đảo ngược. Đồng thời, phim phản ánh những bất công của người phụ nữ trong chế độ phụ hệ đã ăn sâu vào văn hóa, lối sống Á Đông.

Phê phán sự phân biệt giới tính

Theo Korea Times, bộ phim truyền hình Hàn Quốc “Nữ hoàng nước mắt" (Queen of Tears) đang tạo cơn sốt trên các nền tảng truyền thông xã hội trong nước và quốc tế, sau miêu tả mới mẻ về những người con rể vào bếp chuẩn bị đồ ăn cho một dịp lễ giỗ tổ tiên của nhà vợ, tập đoàn Queens.

Theo truyền thống của chế độ phụ hệ, nhiệm vụ này thường thuộc về con dâu ở Hàn Quốc.

Tình tiết xuất hiện ngay trong tập 1, khi hơn 10 người đàn ông đeo tạp dề phải cùng vào bếp nấu nướng. Nhân vật chính là Baek Hyun Woo (Kim Soo Hyun thủ vai), tốt nghiệp ngành luật Đại học Quốc gia Seoul và là cháu rể lớn nhất của tập đoàn Queens.

Họ xuất thân từ những trường đại học danh tiếng như Harvard, Trường Thiết kế Parsons, hay nhà mấy đời làm kiến trúc sư… Nhưng nam chính than thở rằng, những cậu con rể đã “lãng phí tài năng" chỉ để làm công việc chuẩn bị thức ăn cho lễ giỗ của nhà vợ.

Baek Hyun Woo và các con rể của tập đoàn Queens phải vào bếp chuẩn bị đồ ăn cúng giỗ cho gia đình nhà vợ. Ảnh: Nhà sản xuất

Korea Times nhận định: “Phân cảnh này không chỉ mang lại cảm giác hài hước, mà còn phản ánh sự bất bình ngoài đời thực của những phụ nữ Hàn Quốc đã kết hôn, qua đó phê phán một cách tinh tế sự phân biệt giới tính thể hiện trong chế độ phụ hệ.

Nó châm biếm những tàn dư của văn hóa gia trưởng bằng cách để nam giới đảm nhận những vai trò truyền thống dành riêng cho phụ nữ ở Hàn Quốc, đặc biệt là trong quá trình chuẩn bị nghi lễ cúng tổ tiên.

Nhiệm vụ này, về mặt lịch sử, là trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình, được miêu tả một cách khác biệt, khi bộ phim sử dụng kỹ thuật "phản chiếu" để phê phán những kỳ vọng đặt lên phụ nữ”.

Tầm ảnh hưởng của bộ phim vượt ra ngoài Hàn Quốc, gây được tiếng vang với người xem ở nhiều quốc gia, trong đó có Indonesia, nơi phong tục gia trưởng cũng ăn sâu tương tự.

Nhà phê bình phim truyền hình Gong Hee Jung khen ngợi “Nữ hoàng nước mắt" vì sự châm biếm cốt lõi của chế độ phụ hệ, đánh dấu một bước quan trọng trong văn hóa đại chúng chính thống, hướng tới thách thức và thay đổi các chuẩn mực giới tính.

Nhân vật của Kim Soo Hyun phải khóc ngay tập 1 vì những áp lực và sự chèn ép khi ở rể nhà tài phiệt. Ảnh: Nhà sản xuất

Đảo ngược vị trí “hoàng tử - lọ lem"

Trong “Nữ hoàng nước mắt", kịch bản hoàng tử - lọ lem quen thuộc cũng bị đảo ngược. Hoàng tử ở đây là Hong Hae In (Kim Ji Won), nữ Giám đốc điều hành Bách hóa Queens, người thừa kế thế hệ thứ 3 của tập đoàn Queens. Còn lọ lem chính là Baek Hyun Woo - chồng của cô, xuất thân từ một gia đình nông dân.

Bộ phim đưa ra góc nhìn mới về câu chuyện hoàng tử - lọ lem, khi Hong Hae In là người chủ động trong chuyện tình cảm. Cô trực tiếp bay trực thăng về vùng nông thôn để thổ lộ tình cảm với Hyun Woo.

Nhà phê bình văn hóa Jung Duk Hyun cho rằng, bộ phim được chú ý là do sự đảo ngược vai trò giới tính và sự hài hước giống như phim hài đen: "Bộ phim đã lật ngược kịch bản của những bộ phim hài lãng mạn, với một câu chuyện cho thấy, ngay cả việc trở thành lọ lem cũng không đảm bảo hạnh phúc”.

Hong Hae In trong vai “hoàng tử” bay trực thăng đến tỏ tình với “lọ lem” Hyun Woo. Ảnh: Nhà sản xuất

Giống như Baek Hyun Woo, sau khi bị Hong Hae In chinh phục, cả hai đã có đám cưới hoành tráng, xa hoa bậc nhất và gây chấn động. Nhưng sau 3 năm kết hôn, anh phải gặp bác sĩ tâm lý vì chịu đựng sự chèn ép, áp lực của gia đình nhà vợ.

Thông thường, các bộ phim truyền hình lãng mạn sẽ kết thúc bằng kịch bản “và chúng tôi sống hạnh phúc mãi về sau", nhưng “Nữ hoàng nước mắt" lại khởi đầu câu chuyện từ đó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn