MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kim Soo Hyun trong phim "Nữ hoàng nước mắt". Ảnh: Nhà sản xuất

Phim Hàn Quốc khiến người xem ám ảnh ngoại hình, ảo tưởng về thực tế?

Thùy Trang LDO | 23/05/2024 07:49

Sự bùng nổ của phim truyền hình Hàn Quốc dấy lên lo ngại rằng nội dung phim có thể tác động tiêu cực đến người xem.

Những năm qua, phim Hàn có tốc độ phát triển nhanh về cả nội dung và mức độ lan tỏa, thu hút khán giả ở nhiều độ tuổi, nhiều châu lục.

Hàng loạt tựa phim tình cảm, lãng mạn như "Nữ hoàng nước mắt", "Neverthless" đến thể loại báo thù như "The Glory", "Penthouse" hay dòng phim chữa lành kiểu "Welcome to Samdalri", "Nốt trầm đời bác sĩ"... đều hấp dẫn khán giả.

Dù vậy, tờ Medium cho rằng phim Hàn Quốc có thể tạo ra những tác động tiêu cực đến tâm lý người xem.

Không ít câu chuyện được cường điệu hóa, xây dựng phi thực tế để gây chú ý. Tuy nhiên, những tình tiết này có thể khiến nhiều khán giả, đặc biệt là người trẻ có cái nhìn sai lệch về cuộc sống thực.

Việc phim Hàn khai thác quá đà những cảnh bạo lực, uống rượu, đi bar... cũng gây lo ngại sẽ ảnh hưởng đến giới trẻ.

Korea Times phân tích, cảnh uống rượu gần như xuất hiện tại mọi bộ phim truyền hình Hàn Quốc lấy chủ đề về cuộc sống thường ngày. Một số cái tên điển hình lên sóng thời gian gần đây như “Tuổi 39”, “Mùa hè yêu dấu của chúng ta”, “Hometown Cha-Cha-Cha”, “Nevertheless”...

Trước đó, đã có những bộ phim Hàn chuyên về chủ đề nhậu như “Drinking Solo”, “Itaewon Class”... hay nhiều chương trình truyền hình làm theo format cho các nhân vật uống rượu trong khi tâm sự.

Viện Nâng cao Sức khỏe Hàn Quốc đã theo dõi 219 bộ phim truyền hình và 438 chương trình thực tế nổi tiếng lên sóng vào năm 2021, cho thấy, mỗi tập có 2, 3 cảnh liên quan đến rượu.

Cơ quan này khẳng định, cách truyền hình mô tả nhân vật sử dụng đồ uống có cồn đã ảnh hưởng đáng kể đến suy nghĩ của khán giả. Việc phim tràn ngập cảnh uống rượu làm gia tăng cảm giác thèm uống rượu của những khán giả truyền hình.

Bộ phim “Welcome to Samdalri” có nhiều cảnh nhân vật mua bia, rượu. Ảnh: Nhà sản xuất

Ngoài ra, phim tình cảm Hàn cũng chuộng các mô-típ như anh hùng cứu mỹ nhân, oan gia ngõ hẹp, cố gắng pha trộn yếu tố hài hước song song với những khoảnh khắc ngọt ngào, lãng mạn.

Không còn bệnh hiểm nghèo sắp chết, nhân vật chính giờ đây thường mắc các chứng bệnh tâm lý, bệnh lạ theo hướng hài hước hơn là bi kịch. Chẳng hạn như chàng phó chủ tịch điển trai Lee Young Joon của "Thư ký Kim sao thế" mắc bệnh tự luyến, cho bản thân mình là hoàn hảo không tỳ vết, hay nàng nữ quái Jo Yi Seo của "Itaewon Class" mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội...

Những câu chuyện lý tưởng hóa nam nữ chính, mô tả các nam thần "giàu có, đẹp trai, chung thủy", cốt truyện thiếu logic được cho là khiến khán giả ảo tưởng, kỳ vọng quá mức vào những mối quan hệ ngoài đời thực.

Thống kê từ chính phủ Hàn Quốc cho biết năm 2005, có 2,3 triệu phụ nữ và 2,9 triệu đàn ông đến thăm Hàn Quốc.

Tuy nhiên, đến năm 2019, thời điểm các phim dài tập Hàn Quốc “làm mưa làm gió” toàn cầu, lượng khách du lịch nữ tới thăm xứ kim chi tăng lên rõ rệt. Số lượng du khách nữ đến Hàn Quốc du lịch trong 2019 là gần 10 triệu người, trong khi du khách nam chỉ 6,7 triệu người.

Thậm chí, nhiều khách nữ không che giấu ý định đến Hàn Quốc để tìm bạn trai lý tưởng như Hyun Bin, Ji Chang Wook, Lee Jong Suk trên màn ảnh.

Quandra Moore, một giáo viên tiếng Anh 27 tuổi mê phim Hàn đến từ Washington cũng đến Hàn Quốc với mong muốn tìm được người yêu.

Dù vậy, cô thất vọng tràn trề vì bị phân biệt chủng tộc khi đến Hàn, không gặp được những nam thần đẹp trai, hào hiệp như trên màn ảnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn