MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phụ huynh tại Đà Nẵng chờ con đi thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: Nguyễn Linh

Phụ huynh chuẩn bị tâm lí thế nào khi đón nhận điểm thi của con?

Hương Lê LDO | 30/06/2023 20:09

Không chỉ thí sinh mà phụ huynh cũng là người mong chờ điểm thi của con từng ngày, từng giờ, tuy nhiên không nên vì thế mà tạo áp lực cho con.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết quả kì thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được công bố chính thức vào 8h sáng ngày 18.7. Các thí sinh không phải thức đêm như mọi năm để chờ điểm.

Quãng thời gian chờ điểm thi không chỉ thí sinh mà phụ huynh cũng hồi hộp không kém. Bởi cha mẹ nào hẳn cũng kì vọng con cái thành công trong mọi việc, đặc biệt là trong kì thi mang tính quyết định lớn như thi tốt nghiệp THPT.

Kết quả thi cử phần nào giúp cha mẹ theo dõi tiến độ học tập của con và thường được coi là chỉ số quan trọng đảm bảo con “đi đúng hướng” mà cha mẹ đã vạch sẵn.

Thế nhưng, không ít phụ huynh vì lo lắng, mong ngóng điểm thi quá mức mà tạo áp lực cho con em. Điều quan trọng ở đây đó chính là chuẩn bị tâm lí khi đón nhận điểm thi cho chính phụ huynh.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Huyền (giáo viên bộ môn Ngữ văn, trường THPT Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội) phụ huynh nên chuẩn bị cho mình một tâm lí thoải mái nhất có thể, sẵn sàng đón nhận, tránh gây áp lực dẫn đến những điều không hay xảy ra. Con đường học hành ở trường đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công.

“Nếu con thi đạt kết quả cao thì rất tốt, nhưng nếu con thi trượt hoặc đạt điểm kém, cả cha mẹ và con chắc hẳn đều buồn như nhau, thậm chí con cái sẽ có phần buồn hơn nhiều vì phụ lòng hi vọng của mọi người.

Không ít phụ huynh thường cho rằng kết quả kém này xuất phát từ việc con chưa nỗ lực hoặc chưa nghiêm túc trong học tập, nhưng thực tế không phải lúc nào cũng như vậy. Một số phụ huynh thậm chí còn có những hành động có nguy cơ gây tổn thương con.

Tâm lí con khi ấy sẽ rất hỗn loạn, là phụ huynh chúng ta nên vững tinh thần để động viên con cái, chứ không nên phán xét, trách móc.

Là người trực tiếp giảng dạy cho học sinh đi thi, tôi hiểu được phần nào gánh nặng cũng như áp lực của các em trong kì thi tốt nghiệp. Trước khi nhận kết quả thi, theo tôi phụ huynh nên chuẩn bị cho mình một tâm lí thoải mái nhất có thể, sẵn sàng đón nhận dù mọi chuyện có ra sao, tránh gây áp lực dẫn đến những điều không hay xảy ra”, cô Huyền nói.

Đồng quan điểm với cô giáo Nguyễn Thị Huyền, chị Lê Thị Hiền (Đông Anh, Hà Nội) có con trai thi tốt nghiệp THPT năm nay cho biết: Cả gia đình không đặt kì vọng quá cao so với thực tế mà luôn trong tâm thế thoải mái nhất có thể.

“Tôi biết học lực của con trai nằm ở mức độ nào, trước đó tôi cũng đã tham khảo qua ý kiến của cô chủ nhiệm. Vì thế gia đình tôi luôn có tâm lí ổn định và đón chờ kết quả chứ không đặt kì vọng cao mà sau đó gây áp lực cho con.

Ngoài ra thì gia đình tôi cũng có những bước chuẩn bị dự phòng, nếu con không đỗ theo các nguyện vọng con đăng kí, gia đình tôi sẽ cho con đi học nghề. Điều này chúng tôi cũng đã bàn bạc với con trước đó và con cũng sẵn lòng như vậy.

Theo tôi phụ huynh nên bình tĩnh, bây giờ là khoảng thời gian nghỉ ngơi của con cái, đừng chăm chăm hỏi con làm được không, liệu có đỗ không,… chỉ làm con mệt và suy nghĩ thêm”, chị Hiền chia sẻ.

Về phía anh Lê Văn Dũng (Đông Anh, Hà Nội) có con trai thi tốt nghiệp THPT năm nay cho biết: Phụ huynh nên tỉnh táo trong cách phản ứng của mình.

“Chia sẻ thật lòng, tôi có kì vọng vào kết quả thi của con trai. Nhưng tôi chỉ dám để trong lòng chứ không dám thể hiện ra bên ngoài. Tôi luôn cố gắng nói chuyện mà không đề cập quá sâu vào tình hình con làm bài để tránh làm con cảm thấy lo lắng.

Tôi nghĩ rằng cha mẹ là nơi để con sẻ chia, là nơi con tìm đến an toàn trong tâm trí, là nơi để con có thể dựa vào khi yếu lòng. Tôi sẽ cố gắng làm chỗ dựa cho con nếu con chưa đạt kết quả như ý.

Mặc dù nói bao giờ cũng dễ hơn là bắt tay vào hành động, nhưng phụ huynh chúng ta cũng không thể thay đổi điều đã xảy ra. Gay gắt với con có thể khiến con căng thẳng, thậm chí nghĩ đến những điều tiêu cực trong cuộc sống. Thay vào đó, hãy giúp con “đứng dậy” và cố gắng vào lần sau”, anh Dũng tâm sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn