MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Quản lý, giáo dục con trẻ: Nhìn từ những vụ án do thiếu niên gây ra

Văn Sỹ LDO | 16/03/2023 09:36

Tại các tỉnh miền Tây, chỉ tính từ giữa năm 2022 đến nay, đã ghi nhận hàng chục vụ do thiếu niên gây mất an ninh, trật tự xã hội như: Tụ tập đánh nhau, tổ chức đua xe trái phép, sử dụng trái phép các chất ma túy, nữ sinh đánh bạn, thậm chí gây nên án mạng... Qua đây gióng lên hồi chuông cảnh báo đến các bậc phụ huynh về việc tăng cường quản lý, giáo dục con em mình. 

Gần đây nhất là vụ thiếu niên T.K.N (16 tuổi, ngụ xã Phú Tân, huyện Châu Thành, Sóc Trăng) vì bênh vực bạn bị đánh đã dùng dao đâm một thiếu niên cùng tuổi khác tử vong. Đáng nói hơn, thiếu niên N đang là học sinh lớp 10, còn ngồi trên ghế nhà trường. Và theo nhận định của nhiều người dân trong xóm, N từ nhỏ đến khi xảy ra vụ việc rất hiền lành và chưa từng đánh nhau với ai.

Nơi thiếu niên 16 tuổi đâm bạn cùng tuổi tử vong tại xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Ảnh: Văn Sỹ

"Cha của N làm phụ hồ, còn mẹ thì nhận trông giữ 3 cháu nhỏ để nhận tiền công lo cho cuộc sống gia đình. N có 3 anh chị và trước giờ gia đình N sống hiền lành, chan hòa với hàng xóm. Riêng N từ nhỏ đến giờ cũng khá hiền lành, chưa nghe có tụ tập băng nhóm, hay đánh nhau với ai" - ông Trịnh Ngọc Châu, Trưởng Ban nhân dân ấp Phước Lợi, xã Phú Tân cho biết.  

Mẹ của thiếu niên T.K.N chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động. Ảnh: Văn Sỹ 

Còn bà T.T.P.T - mẹ của N (60 tuổi) - chia sẻ: "Vợ chồng tôi thấy N chưa từng cãi vã hay đánh nhau với ai. Ở nhà, cháu cũng hiền lành. Đi họp phụ huynh, thầy cô cũng nhận xét như thế nên tôi cũng yên tâm lo mưu sinh, ít dành thời gian quan sát, dạy dỗ thường xuyên. 

Qua vụ việc, tôi mong các bậc làm cha mẹ hãy quan tâm sâu sát hơn, dạy dỗ con nhiều hơn để con không dại dột, biết kiềm chế cảm xúc, không gây nên những sự việc đau lòng, đáng tiếc" - bà T bày tỏ.

 Vụ nhóm nữ sinh đánh hội đồng 1 nữ sinh lớp 8 tại Vĩnh Long. Ảnh: Cắt từ clip

Cũng cách đây không lâu, tại Vĩnh Long, một nữ sinh lớp 8 vì xảy ra mâu thuẫn đã huy động 10 nữ sinh khác dùng mũ bảo hiểm vây đánh một nữ sinh lớp 8 một cách dã man.

Sự việc đã diễn ra hai lần vào cuối tháng 1.2023 và cuối tháng 2.2023 nhưng đến ngày 6.3, gia đình nạn nhân mới phát hiện. Cách đây ít ngày, nhóm nữ sinh đã “lạnh lùng” tung video clip đánh bạn lên mạng xã hội.

Xác minh hai đoạn video clip bạo lực học đường, thượng tá Đoàn Văn Thuận - Trưởng Công an huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long - cho hay, hành vi của nhóm 10 nữ sinh có dấu hiệu cố ý gây thương tích. Nhóm thiếu nữ đánh bạn đa số là học sinh trường THCS-THPT ở huyện Tam Bình. Nạn nhân là em L.T.N.D (14 tuổi, học sinh lớp 8 trường THCS Phú Thịnh). 

 Nữ sinh lớp 6 tại huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) đánh bạn cùng lớp. Ảnh: Cắt từ clip

Trước đó, vào đầu tháng 2.2023, ở tỉnh Hậu Giang, một nữ sinh lớp 6 cũng nhiều lần đánh một nữ sinh cùng lớp, quay video đăng mạng xã hội và còn nhiều lần xúc phạm giáo viên. Sau vụ việc, nữ sinh này cũng đã nghỉ học

Theo thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An, qua rất nhiều vụ nữ sinh tổ chức đánh hội đồng, thiếu niên đua xe trái phép, sử dụng trái phép chất ma túy, thiếu niên đánh nhau gần đây cho thấy, sự buông lỏng, thiếu vai trò, trách nhiệm của các bậc phụ huynh trong kè cặp, dạy dỗ con. 

"Độ tuổi từ 10 đến 18 thường hay học đòi và thể hiện, chứng tỏ bản thân. Trong khi đó, kiến thức xã hội, pháp luật, kỹ năng ứng xử, hành xử của hầu hết các em đều hạn chế. Chính vì thế, khi có những kích động nhỏ, hay những sự việc gây khó chịu, bực tức, ấm ức... sẽ dễ làm cho các em trở thành tội phạm.

Vì vậy, tôi mong rằng, các bậc phụ huynh hãy dành thời gian phù hợp để quan sát, gần gũi tìm hiểu và có sự phối hợp giữa gia đình với nhà trường và kể cả những người thân, bà con lối xóm để nắm bắt được tư tưởng, tính tình của các em, từ đó có những biện pháp uốn nắn, dạy dỗ, hướng các em phát triển tích cực hơn" - thạc sĩ An chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn