MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sống cùng mái nhà nhưng hai mẹ con chỉ có thể gặp nhau qua 1 mảnh giấy

Sương Mai LDO | 10/12/2019 20:16

Mỗi buổi tối đi làm về khuya, việc đầu tiên của cô Yến là tìm đọc mảnh giấy để trên bàn xem hôm nay con gái muốn nhắn nhủ gì với mẹ. Dù sống dưới một mái nhà nhưng mọi cảm xúc và hành trình trưởng thành của con cô đều chỉ có thể nhìn qua từng dòng chữ viết vội trên những mảnh giấy.

Sau bài viết Chuỗi ngày làm dâu trong nước mắt của người phụ nữ lấy chồng bệnh tim, chúng tôi có dịp trở lại thăm cô Vũ Thị Yến - nhân vật chính trong câu chuyện để tìm hiểu về cuộc sống của cô sau khi chồng mất.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 nhỏ hẹp những ngày đầu tháng 12.2019 lạnh giá, cô Yến đưa cho chúng tôi xem một xấp giấy đã cũ và kể lại quãng thời gian vô cùng khó khăn của mẹ con cô.

Sau khi chồng mất vì bệnh tim, cô đưa con về nhà ngoại. Để có tiền trang trải cuộc sống và cho con ăn học, cô phải làm rất nhiều công việc nên không có thời gian ở bên con. Mỗi tối muộn khi trở về nhà, cô đều thấy một mảnh giấy đặt trên bàn ăn.

Ban đầu những mảnh giấy chỉ viết có vài chữ, nét chữ trẻ con mới tập viết còn rất thô sơ, nghuệch ngoạc. Nội dung chủ yếu là nhắc mẹ ăn cơm, nhắc mẹ đi họp phụ huynh hoặc kể cho mẹ nghe chuyện cô bé gặp phải khi đến lớp.

"Tôi nhớ có năm đến ngày 8.3, tôi làm về muộn và con bé đã ngủ. Trên bàn vẫn để mảnh giấy nhưng hôm đó được vẽ thêm bông hoa kèm lời nhắn: Mẹ ơi con vẽ hoa tặng mẹ đấy. Mẹ thấy có đẹp không mẹ?. Tôi đọc mảnh giấy mà rơi nước mắt. Con bé thấy các bạn mua hoa tặng mẹ nhưng nó lại không có tiền để mua nên đã nghĩ ra cách là vẽ một bông hoa tặng cho cho tôi", cô Yên xúc động nhớ lại.

Cô Yến vừa xem lại những tấm ảnh cũ của con gái, vừa kể lại quãng thời gian khốn khó của hai mẹ con. Ảnh: Sương Mai

Cô Yến ôm mảnh giấy vào lòng bật khóc. Cô khóc vì cảm động trước tình cảm ngây thơ, chân thành của con trẻ. Cô khóc vì xót xa cho thân phận của mình và đứa con gái bé bỏng. Cô lựa chọn lấy chồng bệnh tim khiến đứa con chưa chào đời đã mất bố. Cũng vì lựa chọn đó khiến cuộc sống của hai mẹ con vô cùng chật vật, cô không thể lo cho con được sống đù đầy như bạn bè cùng chăng lứa.

Một thân một mình nuôi con, cô Yến không ngại những công việc nặng nhọc. Buổi chiều cô nhận làm tạp vụ cho các nhà hàng, quán cà phê. Tối đến cô lại nhận thêm công việc rửa bát thuê cho những quán nhậu. Nửa đêm về đến nhà thì con gái đã ngủ. Sáng con gái đi học sớm thì cô vẫn đang nghỉ ngơi để chiều tiếp tục công việc. Chính vì vậy nên mọi chuyện giữa hai mẹ con chỉ có thể trao đổi qua những mảnh giấy. 

Có lẽ do lớn lên trong nghèo khổ nên con gái cô sớm hiểu chuyện và rất thương mẹ. Cô Yến vẫn nhớ có lần được nghỉ con gái theo mẹ đi làm. Thấy mẹ bận rộn nên cô bé lẳng lặng giúp mẹ rửa hết chậu cốc bẩn.

"Tối đến hết giờ làm, tôi chở con gái về trên chiếc xe đạp cũ và thủ thỉ hỏi con là ai chỉ con biết mà phụ việc giúp mẹ vậy. Nó ngồi phía sau ôm chặt tôi nói là con làm đỡ mẹ để mẹ khỏi bị mệt. Hai mẹ con mình cùng làm để xong việc sớm còn được về nhà sớm mẹ nhỉ", cô Yến vừa ngắm tấm ảnh con gái khi bé vừa chậm rãi kể lại.

Đó là những lần hiếm hoi cô có thời gian để nói chuyện cùng con, lắng nghe những tâm sự của cô bé. Còn đa phần mẹ con vẫn trao đổi với nhau qua mảnh giấy.

 Cô Yến và con gái, nay đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp. Ảnh: NVCC

Cô nhớ nhất là mảnh giấy con gái viết hôm 29 tết năm 2005, nhắn cô tối 30 hai mẹ con cùng lên nhà bà nội để thắp hương cho bố. Chiều 30 tết, cô làm xong việc, vội vã trở về đưa con gái đi mua đồ cũng lễ. Xong xuôi mọi việc đã gần giao thừa, không thể gọi xe ôm được nữa, cô cõng con gái đi bộ từ nhà nội về nhà ngoại, quãng đường dài 5km.

Cô vừa đi vừa ứa nước mắt. Nhà nhà đang sum vầy đoàn tụ, chỉ còn mẹ con cô vẫn lẻ loi đi giữa đêm lạnh, giữa tiếng pháo giao thừa rộn rã. Nghĩ đến đứa con bé bỏng nằm trên lưng, cô biết mình phải kiên cường và cố gắng thật nhiều hơn nữa để hai mẹ con có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn