MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Do tảo hôn, chị L. mới 17 tuổi đã bồng đứa con gần 2 tuổi. Ảnh: Hưng Thơ.

Tảo hôn khiến nhiều bé gái ở miền núi Quảng Trị trở thành mẹ

HƯNG THƠ LDO | 04/01/2023 16:00

Mới đến tuổi học lớp 9, lớp 10, không ít bé gái người đồng bào thiểu số ở miền núi tỉnh Quảng Trị đã lấy chồng, sinh con. Với các trường hợp tảo hôn, hầu hết đều rơi vào tình cảnh nghèo khó.

Năm nay mới 17 tuổi, nhưng Hồ Thị L (trú ở thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) đã ẵm đứa con gần 2 tuổi.

L ở bản đối diện bên kia biên giới. Khi mới 15 tuổi, L quen rồi theo chồng về thôn Pa Ling ở. Nhà chồng L cũng khó khăn, cuộc sống phụ thuộc vào mùa màng trên rẫy.

Ở trong ngôi nhà bằng gỗ bắt đầu xuống cấp, mùa đông gió lùa lạnh, mùa hè thì mái tôn thấp nóng rát, cuộc sống của L thêm khó khăn khi con còn nhỏ, nhiều thứ phải chi tiêu.

Những đứa trẻ người đồng bào thiểu số ở bản làng vùng cao tỉnh Quảng Trị lớn lên trong cảnh thiếu thốn. Ảnh: Hưng Thơ.

Bên cạnh đó, L chưa hiểu biết nhiều, chồng L cũng tương tự, nên nảy sinh nhiều vấn đề.

“Bây giờ thấm việc tảo hôn sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng đã muộn” – L chia sẻ.

Ở xã A Vao, người dân hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số. Bà con không chỉ khó khăn về kinh tế, mà đời sống văn hóa tinh thần cũng còn nhiều thiếu thốn. Vì thiếu hiểu biết và hủ tục, nhiều bé gái phải lập gia đình sớm. Cũng vì vậy, cuộc sống càng thêm khó khăn, cùng bao hệ lụy kéo theo như suy giảm sức khỏe sinh sản, không biết chăm sóc con cái.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, vì nhiều lý do, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở các huyện miền núi của địa phương vẫn diễn ra và có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây.

Bản làng người đồng bào thiểu số ở huyện miền núi Đakrông. Ảnh: Hưng Thơ.

Đơn cử, tại huyện Hướng Hóa có tỉ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số dân cư trên địa bàn. Hiện nay, tỉ lệ tảo hôn vẫn còn cao, 5 năm trở lại có 692 cặp. Còn ở huyện Đakrông, từ năm 2016 đến tháng 6.2021, toàn huyện Đakrông có có 473 trường hợp tảo hôn và 9 trường hợp hôn nhân cận huyết thống.

Theo bà Hồ Thị Lệ Hà, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Trong đó, việc tuyên truyền, vận động và tạo dư luận xã hội phê phán hành vi tảo hôn là chính.

Bên cạnh đó, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, người có ảnh hưởng đến công chúng tham gia tuyên truyền, giáo dục thanh thiếu niên không tảo hôn, gia đình không cho con tảo hôn, chính quyền không hợp thức hóa việc tảo hôn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn