MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tết – tình yêu và nỗi nhớ

ANNE VŨ (TỪ CANADA) LDO | 13/02/2021 08:55

Tết với những người Việt xa xứ luôn mang một cảm xúc đặc biệt. Lao Động xin đăng tải một bài viết mang góc nhìn của Thạc sĩ Anne Vũ- MBA, CEO Zenboté Organic Skincare đang sinh sống tại Canada về ngày Tết trong ký ức.

Trong một bài phỏng vấn của một đài truyền hình ở Việt Nam , cô phóng viên hỏi tôi rằng: “Chị nhớ gì nhất về cái Tết Việt Nam?” Câu hỏi gợi cho mình bao điều nghĩ suy.

12 năm ở Hà Nội, 7 năm ở Sài Gòn, 19 cái Tết ở Việt Nam, thứ tôi nhớ nhất vẫn là những ngày tết rét mướt ở Hà Nội, khi mình còn rất bé, chỉ khoảng 5-6 tuổi.

Tôi nhớ những buổi chiều 30, năm nào cũng thế, bố tôi đi công tác xa về, mẹ tôi trang điểm thật xinh, còn tôi mặc áo thật đẹp rồi cả nhà chở nhau trên chiếc xe cub cũ kĩ xuống phố cổ ăn cơm chiều cùng bà ngoại và gia đình cậu mợ. Tôi nhớ như in cái mùi ẩm ướt trong căn bếp của bà ngày ấy, nhớ mùi măng khô hăng hăng, mùi nấm hương thơm ngọt, và mùi nước hoa “Eau de cologne” nồng nàn bà hay dùng. Tôi nhớ như in tiếng cười đầy sảng khoái của cậu, nhớ cái giọng choe choé và hàm răng xìa, lúc nào cũng toe toét của cậu em họ tên Quýt, cái đứa thân với chị A Chầy (là tôi) nhất quả đất.

Tranh sơn mài Giao thừa bên Hồ Gươm của danh hoạ Nguyễn Tư Nghiêm (1922-2016), sáng tác năm 1957.

Ăn tối xong, cả nhà tôi leo lên xe, vội vã trở về chuẩn bị cúng giao thừa. Trời Hà Nội lạnh lắm, cắt da cắt thịt, ấy thế mà mình nhất định đòi ngồi phía trước xe máy để được xem phố phường ngày tết. Hồi đó hình như chưa có bắn pháo hoa tập trung, thế mà đường phố vẫn đông nghịt. Thỉnh thoảng lại có đứa trẻ nghịch dại, ném quả pháo nổ đùng giữa đường, khói bay mù mịt. Những lúc như vậy tôi sợ run người, nhắm tịt mắt lại. Lâu lâu mới ti hí hé mắt ngó quanh.

Xe chầm chậm chạy từ Lương Ngọc Quyến ra phố Tạ Hiện, qua nhà hàng “Hàm cá mập”, ra đến Bờ Hồ, qua Hàng Bông rồi về Điện Biên Phủ, ngang Trần Phú, rẽ vào Cát Linh, về Giảng Võ, Đê La Thành, rồi xuống dốc Láng Trung (Nguyễn Chí Thanh bây giờ) là tới khu tập thể Dầu Khí nhà tôi.

Quãng đường chỉ vẻn vẹn mấy cây số mà với đứa trẻ con là tôi sao mà xa thế, y như cuộc du hành vượt thời gian trong cái se sắt của đất trời và những vội vã của dòng người. Thích nhất là trên quãng đường ấy, bao giờ mình cũng được bố mua cho một quả bóng bay thật to, loại làm từ giấy bạc lấp lánh, nhiều hình thù đáng yêu, thứ đồ chơi xa xỉ thời đó!

Xe về đến nhà thì tôi đã ngủ gục từ bao giờ, tay vẫn nắm chặt quả bóng. Căn hộ ở tận tầng 5, bố phải đề máy đẩy xe lên. Sợ tôi thức giấc, bố cho tôi ngồi yên trên xe. Thỉnh thoảng cầu thang xóc, chẳng may răng cắn vào môi chảy cả máu. Tôi giật mình dậy, khóc toáng lên giận dỗi.

Lên nhà, tôi lại tỉnh như sáo, háo hức đón giao thừa quá đi. Hồi đó bé tí, chẳng phải làm gì, chỉ ngồi xem tivi, nào ca nhạc, nào thời sự đón Tết, cái gì cũng rộn ràng, rực rỡ. Trong khi mẹ tôi luộc gà, đồ xôi và xếp mâm ngũ quả trong bếp thì bố mình cắm hoa, lau chùi bàn thờ và thực hiện một nhiệm vụ cực kì đặc biệt mà chả ai dám nhận thay: Chuẩn bị một tràng pháo thật to để đốt.

Cứ thế, những giây phút cuối cùng của năm cũ trôi qua trong căn hộ nhỏ nơi cửa sổ mở tung đón khí trời mùa xuân mát lạnh, hòa cùng mùi hương ấm nồng tỏa ra từ bàn thờ tổ tiên.

17 năm không phải khoảng thời gian quá dài nhưng cũng đủ để làm phai nhòa bớt những kỷ niệm hữu hình về Tết. Tuy vậy, tôi tin rằng những gì con người ta luôn yêu và luôn nhớ chắc chắn sẽ đọng lại trong lòng một cách sâu nặng và đẹp đẽ nhất, dù thời gian có phủ một lớp bụi mờ.

Ngày bé tôi hay bảo với mẹ: “Mẹ ơi, con mong ngày nào cũng là ngày 30, đêm nào cũng là đêm giao thừa, mẹ ạ!” Bây giờ thì mình chỉ mong, năm nào các con mình cũng có ngày 30 và đêm giao thừa như mình ngày xưa, dù sau này mình có ở bên hay không. Vì Tết chính là tình yêu và nỗi nhớ muôn đời các thế hệ gửi gắm cho nhau ...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn