MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gia đình chị Vân đón Tết tại tỉnh Đồng Nai. Ảnh: NVCC

Tết phương Nam trong mắt người con xa quê

HƯƠNG SƠN LDO | 12/02/2024 06:00

Đối với người dân phương Nam, 3 ngày Tết, dù nghèo hay giàu, trong nhà phải có ít nhất nồi thịt kho tàu hoặc canh khổ qua. Còn đối với những người con xa quê, dù ở đâu trên mảnh đất phương Nam đầy nắng đều cố gắng giữ được văn hoá đón Tết đậm chất quê hương mình.

Sinh sống ở miền Nam đã được 15 năm, là từng đó năm chị Hoàng Thị Vân đón Tết ở Đồng Nai. Chị Vân tâm sự, năm 18 tuổi chị từ quê Hà Tĩnh vào Đồng Nai lập nghiệp, được khoảng 1 năm sau chị lấy chồng. Những năm đầu do kinh tế chưa tích lũy nhiều nên chị quyết định ở lại Đồng Nai đón Tết.

Tiếp tục những năm sau, chị Vân liên tiếp sinh 4 con nên không thể về quê đón Tết vì hoàn cảnh. Nhiều năm đón Tết phương Nam, chị Vân hiểu được những nét văn hoá độc đáo trong cách đón Tết của người dân nơi đây.

Với người con xa quê lâu năm, Tết phương Nam của gia đình chị có chậu hoa mai trong nhà mỗi năm là không thể thiếu.

“Khi có điều kiện kinh tế hơn nhưng con còn nhỏ không về quê được, để đón Tết trọn vẹn tôi thường kết hợp Tết quê mình với Tết trong này. Ngoài những món ăn đặc trưng gia đình tôi ở quê thường nấu ăn ngày Tết thì một cây mai là không thể thiếu. Trời nắng nóng, nhiều năm cũng muốn trưng đào, nhưng hoa nhanh tàn nên tôi thường mua mai”, chị Vân chia sẻ.

Còn với gia đình chị Hà Phương Trang (quận Tân Bình, TPHCM) lại khác chút, chị là người con Hà Nội nên Tết với chị ngoài mang ý nghĩa sum vầy thì còn mang ý nghĩa nhớ quê hương. Những năm đón Tết ở TPHCM, chị Trang thường có thói quen đặt những đặc sản Hà Nội vào TPHCM để sử dụng trong những ngày Tết.

“Có những món ăn đặc trưng của người miền Bắc mình nhưng trong này không bán, hoặc có bán nhưng cách chế biến cũng biến tấu theo khẩu vị người miền trong rồi, vì vậy tôi thường đặt tận ngoài đó gửi vào từ những hôm 25-26 Tết hàng năm. Chả giò, nem Phùng, rượu dừa, bánh chưng… mấy món này nhà tôi ai cũng mê”, chị Trang chia sẻ.

Trong tâm thức cộng đồng, Tết cổ truyền chứa đựng những thông điệp nhân qua sức lan toả của hình ảnh, không khí, hương vị Tết. Với người Việt, Tết vừa gần gũi, vừa linh thiêng.

Tết cũng là quãng thời gian mỗi cá nhân được bồi đắp thêm những tri thức, kinh nghiệm dân gian, phong tục tập quán, những nét đẹp truyền thống lịch sử - văn hóa, những bài học đạo lý, cách đối nhân xử thế thông qua những trải nghiệm, thực hành văn hóa cùng ông bà, cha mẹ, người thân.

Tết cũng là dịp mỗi người thiết lập thêm những mối quan hệ mới, thắt chặt tình thân, tình bè bạn; được du xuân khám phá cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, trữ tình; nạp thêm cho mình những nguồn năng lượng mới để cống hiến và yêu hơn quê hương, Tổ quốc mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn