MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thấy gì từ những vụ trèo lên nắp capo ôtô đánh ghen?

Mai Anh LDO | 02/07/2023 15:58

Người phụ nữ trèo lên nắp capo chặn xe, đập vỡ kính xe đánh ghen... là nội dung những video đang chia sẻ rầm rộ khắp mạng xã hội. Những hành động đánh ghen dạng này có thể gây thương tích và nguy hiểm đến tính mạng.

Hàng loạt vụ đánh ghen trên nắp capo ôtô được chia sẻ khắp mạng xã hội

Gần đây, hàng loạt video người vợ trèo lên nắp capo ôtô đánh ghen được chia sẻ rầm rộ với tốc độ chóng mặt trên các nền tảng mạng xã hội.

Gần nhất là màn đánh ghen của chị B cùng bố mẹ chồng vừa xảy ra vào tối 30.6 tại đoạn Quốc lộ 1 đi qua xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Một cuộc đánh ghen vừa được lan truyền trên mạng xã hội vào tối 30.6 vừa qua. Ảnh: Chụp màn hình

Đoạn clip ghi lại, chị B và bố chồng đã trèo lên capo ôtô để ngăn xe di chuyển. Thậm chí bố chồng chị B còn bị kéo lê một đoạn đường.

Ngày 20.6, trên đường Trung Thư, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, một người phụ nữ dùng mũ bảo hiểm đập vỡ phần kính trước của xe ôtô, nghi do đánh ghen.

Khi kính vỡ, người phụ nữ đã kéo mảng kính ra để chui vào trong xe. Hành động này không chỉ gây nguy hiểm cho chính bản thân mà còn ảnh hưởng đến rất nhiều người xung quanh hiện trường.

Tháng 10.2022, thông tin từ UBND thị trấn Nông Cống, huyện Nông Cống, Thanh Hóa cũng xác nhận một vụ việc đánh ghen. Một người phụ nữ trèo lên nắp capo ôtô rồi dùng chân đạp vỡ kính chắn phía trước. Người ngồi trong ôtô đã bị kính văng cắt mất một phần tai bên trái.

Diễn đàn “Otofun” tổng hợp lại rất nhiều màn đánh ghen trèo hẳn lên capo trong thời gian gần đây. Ảnh: Chụp màn hình

Thậm chí có cả trường hợp, người chồng đi đánh ghen bế cả con nhỏ, đặt lên capo để chặn xe lại. Bé mới 1 tuổi, hoảng sợ và gào khóc trong khi mọi người can ngăn không được.

Rất nhiều những hành vi đánh ghen trèo lên capo xe ôtô trong thời gian qua thu hút đông đảo người dùng mạng xã hội, mỗi video đều thu hút hàng trăm nghìn lượt like, chia sẻ và bình luận.

"Tự đưa mình vào thế nguy hiểm đến tính mạng", "quá nguy hiểm khi đứng giữa đường Quốc lộ 1A để chặn đầu xe cơ giới, bất chấp việc đang có rất nhiều xe đang lưu thông"... là những bình luận trên mạng xã hội khi xem các video đánh ghen trong thời gian qua.

Hành vi đánh ghen nguy hiểm, gây thương tích

Dưới góc độ pháp lý, pháp luật Việt Nam không quy định khái niệm đánh ghen bị xử lý như thế nào. Tuy nhiên, thông qua đánh ghen có thể đánh giá mức độ hành vi gây thương tích để có biện pháp xử lý phù hợp.

Căn cứ theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017): Người cố ý gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% - 30% hoặc dưới 11% (dùng vũ khí, chất cháy nổ, axit...) bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Đối với những hành vi đánh ghen gây ảnh hưởng đến giao thông, trật tự công cộng. Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 144/2020/NĐ-CP phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng cho trường hợp gây mất trật tự công cộng.

Điểm a khoản 5 Điều 7 Nghị định 144 /2020/NĐ-CP xử phạt 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng với trường hợp cố ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn